Lợi nhuận của Ford, Honda và Mazda giảm mạnh

Thua lỗ trong kinh doanh tại nước ngoài và gánh nặng thuế đã khiến lợi nhuận trong quý I của hãng sản xuất xe hơi Mỹ Ford sụt giảm.
Thua lỗ trong hoạt động kinh doanh tại nước ngoài và gánh nặng thuế đã khiến lợi nhuận trong quý I của hãng sản xuất xe hơi Mỹ Ford sụt giảm song hãng xe này vẫn dự báo về mức tăng trưởng vững mạnh hơn trong nửa cuối năm nay.

Cụ thể, Ford đã công bố mức thu nhập ròng giảm mạnh 46% so với cùng kỳ năm 2011, đạt mức 1,4 tỷ USD bất chấp doanh số xe bán ra tại thị trường Mỹ tăng. Quan chức điều hành cấp cao của Ford Alan Mulally đã hoan nghênh kết quả kinh doanh này khi đây là quý thứ 11, hãng xe từng có lúc gặp sóng gió này có lợi nhuận. Ông cho rằng với việc sắp tung ra các sản phẩm quan trọng, lợi nhuận của hãng này sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay.

Hiện Ford đang mở rộng hoạt động ở châu Á và việc xây dựng tám nhà máy mới trong vài năm tới sẽ cho phép hãng nâng khối lượng xe bán ra tại khu vực đang tăng trưởng nhanh chóng này, theo đó số xe bán ra tại đây sẽ chiếm một phần ba doanh số của hãng so với mức 15% như hiện nay.

Trong khi đó, hãng sản xuất xe hơi Honda của Nhật Bản cũng vừa công bố mức lợi nhuận của cả tài khóa 2011, theo đó, mức lợi nhuận của hãng này đã giảm 60,4% do tác động của thiên tai ở Nhật Bản và Thái Lan dù hãng đã có dấu hiệu phục hồi trong quý cuối cùng của tài khóa này.

Lợi nhuận ròng của hãng trong thời gian 12 tháng qua đạt 211,5 tỷ yen (2,6 tỷ USD), giảm so với mức 534,1 tỷ yen cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu cả tài khóa của Honda giảm 11,1%, đạt 7.950 tỷ yen trong khi lợi nhuận kinh doanh của hãng giảm 59,4%, đạt 231,4 tỷ yen.

Sự sụt giảm này chủ yếu là “do việc phải tạm ngừng sản xuất cũng như điều chỉnh sản xuất sau trận động đất kèm sóng thần kinh hoàng hồi năm ngoái ở Nhật Bản cũng như trận lũ lụt ở Thái Lan cộng với tác động của tỷ giá hối đoái.”

Trong tài khóa hiện nay kết thúc vào tháng 3/2013, Honda dự báo hãng sẽ hồi phục mạnh, theo đó mức lợi nhuận ròng được dự báo là 470 tỷ yen trong khi lợi nhuận kinh doanh là 620 tỷ yen còn doanh thu là 10.300 tỷ yen. Honda cũng đã nối lại hoạt động của nhà máy lắp ráp ở Thái Lan hồi tháng trước, gần sáu tháng sau khi nhà máy này buộc phải đóng cửa do trận lũ lụt ở đất nước vùng Đông Nam Á này.

Một hãng xe khác của Nhật Bản là Mazda cũng vừa công bố hãng này đã bị thua lỗ 1,3 tỷ USD trong tài khóa vừa qua do bị tác động kép của đồng yen mạnh và nhu cầu tại các thị trường phát triển then chốt sụt giảm.

Mazda, hãng sản xuất xe hơi lớn thứ năm của Nhật Bản xét về mặt số lượng, đã công bố mức thua lỗ ròng là 107,7 tỷ yen trong tài khóa kết thúc hồi tháng Ba vừa qua, cao hơn mức dự báo trước đây là thua lỗ 60 tỷ yen. Trên khía cạnh kinh doanh, hãng đã thua lỗ 38,7 tỷ yen so với mức lợi nhuận là 23,8 tỷ yen của tài khóa trước. Doanh thu của hãng cũng giảm 12,6%, đạt 2.030 tỷ yen.

Hãng xe của Nhật Bản này cho hay thua lỗ của hãng chủ yếu là do đồng yen mạnh, sự sụt giảm doanh số tại các thị trường nước ngoài, chủ yếu là ở châu Âu, cũng như tác động của trận động đất-sóng thần ở Nhật Bản, rồi nạn lũ lụt ở Thái Lan.

Trong tài khóa hiện nay kết thúc vào tháng 3/2013, Mazda dự báo sẽ tăng trưởng trở lại với mức lợi nhuận ròng dự kiến là 10 tỷ yen, lợi nhuận kinh doanh là 30 tỷ yen và doanh số là 2.200 tỷ yen.

Không chỉ có Ford, Honda và Mazda công bố kết quả làm ăn yếu kém mà ngay cả hãng sản xuất xe hơi lớn nhất của Ấn Độ là Maruti Suzuki cũng vừa tuyên bố mức lợi nhuận ròng trong quý IV tài khóa vừa qua của hãng này đã giảm 3% song con số này vẫn còn thấp hơn mức dự báo của các nhà phân tích nhờ sự phục hồi doanh số của hãng tại thị trường nội địa.

Maruti cho hay lợi nhuận ròng của hãng chỉ đạt mức 6,4 triệu rupee (122 triệu USD) trong ba tháng vừa qua. Tuy nhiên, Dipen Shah, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cơ bản tại Sàn chứng khoán Kotak của Ấn Độ, cho rằng “mức lợi nhuận này vẫn còn cao hơn dự kiến.”

Ấn Độ, một trong những thị trường xe hơi tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây, đã có mức nhu cầu xe trong năm 2011 sụt giảm song người mua xe đã bắt đầu trở lại các đại lý xe trong những tháng vừa qua do tâm lý khách hàng đã trở nên bớt dè dặt hơn./.

Huy Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục