Italy: Lòng tin tiêu dùng giảm xuống mức thấp kỷ lục

Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Italy trong tháng Tư đã giảm xuống chỉ còn 89 điểm và đây là mức thấp nhất kể từ năm 1996.
Trong tháng Tư, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Italy đã bị sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục giữa lúc nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của Thủ tướng Mario Monti đang làm sâu sắc thêm tình trạng suy thoái của nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) ngày 23/4 cho biết chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Italy trong tháng Tư đã giảm xuống còn 89 điểm so với mức 96,3 điểm của tháng trước đó, và đây là mức thấp nhất kể từ năm 1996.

Theo hãng tin ANSA, lòng tin tiêu dùng là một chỉ số khá quan trọng do người dân sẽ có xu hướng tiêu dùng ít đi nếu họ bi quan về nền kinh tế, và điều này sẽ khiến nền kinh tế khó có thể tăng trưởng trở lại.

Thủ tướng Mario Monti hiện đang thực hiện các kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trị giá 20 tỷ euro (26,5 tỷ USD) nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công.

Những biện pháp này, vốn cũng sẽ làm giảm bớt các mức lương hưu, đã đẩy giá nhiêu liệu tăng lên các mức cao kỷ lục và khiến nền kinh tế Italia bị rơi vào tình trạng suy thoái lần thứ tư kể từ năm 2001.

Hồi tuần trước, Chính phủ Monti dự báo nền kinh tế Italy sẽ sụt giảm 1,2% trong năm nay, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao 9,3% sẽ không sụt giảm cho đến năm 2013.

Nghiệp đoàn Giới chủ Công nghiệp Italy (Confindustria) trong báo cáo ngày 18/4 của mình nói rằng “tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh do những nguyên nhân gây thất nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại. Tình trạng cắt giảm thêm việc làm sẽ còn diễn ra và số người cần có việc làm sẽ tăng lên trong bối cảnh thu nhập thực tế thì lại bị sụt giảm.”

Bên cạnh kế hoạch thắt lưng buộc bụng nói trên, Chính phủ Italy cũng đã đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách chấn chỉnh lại hoạt động của khu vực dịch vụ và cắt giảm tệ quan liêu hành chính.

Hồi đầu tháng này, Chính phủ Monti còn đưa ra một dự luật cải cách thị trường lao động, trong đó có những biện pháp nhằm tạo sự linh hoạt cho thị trường lao động (dễ sa thải lao động lúc nền kinh tế bị trì trệ và dễ nhận lao động lúc nền kinh tế tăng trưởng) với mục tiêu tạo ra một thị trường lao động công bằng hơn, cũng như đưa ra một cơ chế mới về trợ cấp thất nghiệp.

Dự luật này cần phải được cả hai viện của Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, Chính phủ Monti hiện vẫn đang đối mặt với khó khăn do làn sóng phản đối chương trình cải cách lao động của chính phủ ở trong nước.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy có tới 67% số người được hỏi ý kiến đã tỏ ý phản đối chương trình này. Họ không tin rằng cải cách lao động có thể vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng sa thải lao động lại vừa tạo ra một thị trường việc làm công bằng hơn.

Tổ chức công đoàn lớn nhất Italy là CGIL trong thời gian qua đã tổ chức một số cuộc đình công, biểu tình nhằm phản đối chương trình cải cách lao động của chính phủ.

Về phần mình, mặc dù ủng hộ kế hoạch cải cách lao động nhưng giới chủ ngành công nghiệp cũng phần nào tỏ ý hoài nghi về các biện pháp của chính phủ theo đó buộc các công ty phải thuê mướn lao động với các hợp đồng dài hạn kèm theo là những gánh nặng về phúc lợi và an sinh xã hội.

Nhìn chung tình hình kinh tế Italy trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, mặc dù Chính phủ Monti bước đầu được đánh giá là đã phần nào thành công trong việc cứu nguy cho Italy tránh khỏi nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục