"Chất da cam đầu độc nhiều thế hệ người Việt"

Chất dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng vẫn cao hơn khoảng 300 đến 400 lần mức cho phép nên người dân vẫn phải chịu nhiều rủi ro.
Tờ Thời báo của Mỹ ngày 16/12 đăng bài viết nêu rõ hơn ba mươi năm sau chiến tranh, chất dioxin gây ung thư ở khu vực sân bay Đà Nẵng của Việt Nam vẫn cao hơn khoảng 300 đến 400 lần mức cho phép và nơi đây được coi là một trong những địa điểm bị nhiễm độc nặng nhất ở Việt Nam.

Ông Thomas Boivin, Chủ tịch công ty tư vấn về môi trường Hatfield đã và đang xác định mức độ nhiễm độc chất da cam ở Việt Nam từ năm 1994, cho biết người dân sống ở các khu vực nhiễm độc vẫn phải chịu nhiều rủi ro. Theo các nghiên cứu của Hatfield, 10% diện tích của miền Nam Việt Nam bị phun chất diệt cỏ trong chiến tranh trong khi số lượng các điểm nhiễm độc nghiêm trọng ở con số hàng chục.

Bài báo nêu rõ cho đến nay những công việc thực tế mà Mỹ tiến hành để giúp Việt Nam tẩy độc là rất ít. Quốc hội Mỹ đã thông qua khoảng ngân sách 6 triệu USD để giúp giải quyết các vấn đề chất độc da cam từ năm 2007, nhưng số tiền này chưa được sử dụng trực tiếp mà mới chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nghiên cứu và thuê các công ty tư vấn, thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự tiếp xúc của nhiều thế hệ sau với chất độc.

Ông Boivin nói: "Nếu các điểm nóng này là ở Mỹ hay Canada, người ta sẽ yêu cầu phải tẩy độc ngay lập tức".

Bài báo cho rằng Mỹ vẫn dùng chiến thuật lừng chừng, tức là chờ cho người ta chết để tránh các vụ kiện mà chi phí có thể rất cao. Ở một quốc gia đang dính líu vào hai cuộc chiến tranh, thì việc nhận trách nhiệm toàn diện về những tổn thất gây ra thời chiến tranh có thể tạo ra một tiền lệ rất tốn kém.

Bài báo dẫn lời Chuck Searcy, đại diện quốc gia của Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam, nói: "Họ biết vấn đề là gì và nó ở đâu. Tại sao giờ họ lại cần một đánh giá về tác động đối với môi trường? Họ cứ nghiên cứu cho đến lúc chết".

Trong khi đó, bài báo nhấn mạnh nhiều người Việt Nam cho rằng Mỹ cần hành động tích cực hơn. Một số người chỉ rõ rằng số tiền Mỹ chi cho việc tẩy độc chất da cam chỉ bằng một phần nhỏ so với mức 50 triệu USD mà Mỹ chi mỗi năm cho hoạt động tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục