Tiếng chuông sau song sắt

Bí ẩn những tiếng chuông điện thoại sau song sắt

"Điểm chết' có khi là hố đất sâu, là lùm cây, bãi rác, khi là những chỗ hiểm trên người hay thậm chí cả ở trong ổ bụng phạm nhân.
Những chiếc điện thoại di động bình dân được tuồn vào trại qua những “điểm chết”  khó phát hiện như hốc cây, hố đất sâu hoặc bị tháo bung bét, dán băng dính lên chỗ… hiểm của người phạm nhân.

Vào tù, lâm cảnh "bí bách" nên việc "câu" được chiếc điện thoại trong tay chẳng khác nào có vị cứu tinh, người tù bí mật “alô” với bên ngoài để có ma túy hút chích hoặc dàn dựng kế hoạch bỏ trốn…

Tiếng chuông tại… “điểm chết”

Lâu nay, nhà tù vẫn được mệnh danh là chốn… thâm cung bí hiểm, “nội bất xuất, ngoại bất nhập."

Thế nhưng thay vì chính tâm hối cải, phạm nhân lại lộ rõ bản chất "khôn" nhưng không "ngoan," giở mọi quái chiêu móc nối với bên ngoài để “câu”… điện thoại di động vào trại, mong được “dễ thở“ hơn và phục vụ mục đích bất chính.

Chỉ trong năm 2009, riêng Trại giam Hồng Ca, Yên Bái đã có trên 20 vụ phát hiện phạm nhân tàng trữ, sử dụng điện thoại di động.

Số vụ được phát hiện thì không phải là ít nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra manh mối về cách thức và nguồn gốc mà những chiếc điện thoại di động được “câu” vào trại giam. Chỉ khi, tự phía các phạm nhân chẳng  may để lộ sơ hở, tiến hành kiểm tra thấy có điện thoại di động thì cán bộ mới… té ngửa.

Theo giả thiết của nhiều cán bộ quản lý phạm nhân thì một trong những khả năng đầu tiên để "dế" bắt sóng với phạm nhân là qua những buổi thăm nuôi. Phạm nhân và đối tượng bên ngoài sẽ từng bước thỏa thuận, ám hiệu việc dấu "dế" tại  một “điểm chết” nào đó. Cũng vì thế, giám thị khó mà… "bắt tận tay."

Phần phạm nhân, cậy việc thủ thuật “câu” điện thoại vào trại vẫn là một bí mật, nếu có bị phát hiện đang… alô thì hồn nhiên rằng: “Con đi lao động ngoài vườn, thấy điện thoại bên vệ đường, nghĩ đã hỏng nên cầm về trại chơi(?!)”

Nghe giải nghĩa về “điểm chết” và những lần phát hiện phạm nhân… alô của giám thị cũng lắm pha li kỳ , cười ra nước mắt.

Thiếu úy Hoàng Mạnh Hùng, cán bộ giáo dục Trại Hồng Ca trong một lần giám sát tổ lao động vệ sinh, vô tình phát hiện ống quần một phạm nhân bùng nhùng một cách kỳ lạ, trong khi quần phạm nhân vốn... không có túi.

Kiểm tra, hóa ra phạm nhân đã may thêm một chiếc túi nhỏ trong ống quần làm chỗ cất giấu chiếc điện thoại Nokia 1200. Khi bị phát hiện, phạm nhân đã khẩn khoản “xin đút” ba triệu đồng để cán bộ... nhắm mắt cho qua.

Vị giám thị Trại Hồng Ca cười nắc nẻ khi kể lại chuyện trong một đêm mát trời, một cán bộ đi dạo một vòng khu đồi sản xuất thì nghe có tiếng chuông reng reng… tút tút kèm thứ ánh sáng xanh đỏ nhập nhòe trong một gốc chè.

Thật khó tin, khi lại gần vị cán bộ phát hiện một chiếc điện thoại đã cũ đang... ò í e chứ không phải là ma trơi như đã tưởng.

Nuốt “alô” vào… bụng

Đã là người lầm lỡ, vào tù cũng đồng nghĩa đánh mất tự do. Việc “câu” được điện thoại vào trại, được “alô” ra bên ngoài để mua ma túy hút chích hoặc dàn dựng kế hoạch bỏ trốn… chẳng khác nào vị cứu tinh với phạm nhân.

Thượng úy Đặng Quốc Việt, Đội trưởng đội cơ động làm nhiệm vụ kiểm tra phạm nhân ra vào trại vẫn được mệnh danh là “mắt thần” barie ở Trại Hồng Ca nói rằng: để “câu” được “dế“  vào trại giam phạm nhân không từ một thủ đoạn, quái chiêu nào.

Chúng  tôi… sởn  tóc gáy khi anh Việt kể về phạm nhân làm... xiếc với “dế“, mổ xẻ ra thành nhiều mảnh nhỏ rồi dùng băng keo dán đè vào chỗ… hiểm trên cơ thể.

Vỏ “dế“ có dạng mảnh nên phạm nhân thường quấn băng keo ở lườn tay, đùi, bụng, sống lưng và cạp quần. Các bộ phận nhỏ, có hình khối thì sẽ được nhét dưới đế dép, trong tóc, bẹn, hậu môn.

Nếu gặp phải "ca" khó, phạm nhân bất chấp cả tính mạng liều lĩnh nuốt cả điện thoại di động, ma túy vào bụng, sau khi về phòng giam sẽ uống nước xà phòng để nôn ra. Nếu trót lọt tập kết đủ bộ phận "dế" phạm nhân chỉ còn việc “đủng  đỉnh”... alô ra ngoài phục vụ kế hoạch bất chính.
 
Mới đây, ngày 18/1, Đội cơ động Trại Hồng Ca đã phát hiện phạm nhân Vũ Anh Tuấn, án tám năm vì buôn ma túy, dùng băng keo dán một chiếc điện thoại di động Nokia sau cạp quần khi từ khu sản xuất về trại.

Trước đó, chiều ngày 23/6/2009, phạm nhân Vương Quốc Trường bị án ma túy và nhiễm HIV cũng bị “tóm” khi đang giấu một chiếc điện thoại di động ngoài vườn. Vẫn theo "kịch bản" cũ, Trường khai trong hồ sơ rằng đã vô tình nhặt “dế“ bên vệ đường, thấy vẫn còn… chạy tốt nên giấu ở hố đất trong vườn. Hàng ngày đi sản xuất, Trường lại moi lên rồi tìm cách liên lạc với bên ngoài để mua ma túy.

Phó giám thị Trại Hồng Ca, Thiếu tá Phạm Trọng Tải cảnh báo: “Nạn sử dụng điện thoại di động trong trại giam gần đây  thực sự báo động đỏ về sự tác quái và hậu quả khó lường. Khó nhất vẫn là việc xử lý, tìm ra nguồn thông tin để chặn tận gốc phía phạm nhân và nguồn cung cấp phía ngoài. "Điểm chết' có khi là hố đất sâu, là lùm cây, bãi rác, khi là những chỗ hiểm trên người phạm nhân khiến những người ngoài… luồng không thể phát hiện ra”./.

Đặng Dương Châu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục