USD thất thế trong thanh toán giao dịch dầu mỏ?

Trong bối cảnh vị thế kinh tế hàng đầu của Mỹ đang có nguy cơ bị “lung lay”, USD đang ngày càng giảm giá và có nguy cơ bị thay thế sau hơn 60 năm giữ vai trò thanh toán chủ yếu trong giao dịch dầu mỏ quốc tế. Kế hoạch chuyển sang giao dịch dầu mỏ bằng rổ tiền tệ, do các quốc gia vùng Vịnh và một số "đại gia" tiêu thụ dầu xúc tiến, sẽ chính thức thực hiện vào năm 2018. Vàng có thể sẽ được sử dụng là phương tiện thanh toán trong thời kỳ quá độ. 
Hơn 60 năm qua, đồng USD luôn được sử dụng là phương tiện thanh toán chủ yếu trong các giao dịch dầu mỏ quốc tế. Tuy nhiên, cục diện kinh tế, chính trị thế giới ngày nay đã có nhiều thay đổi, vị thế kinh tế hàng đầu của Mỹ đang có nguy cơ bị “lung lay” và đồng USD cũng tỏ ra mất uy thế so với một số đồng tiền chủ chốt, đặc biệt đã giảm khoảng 60% giá trị so với euro kể từ khi euro chính thức “chào đời”.

Trong khi đó, Mỹ vẫn đang là con nợ lớn nhất thế giới, thâm hụt ngân sách ngày càng phình to, “cỗ máy in tiền” của Mỹ gần như đã chạy hết công suất để bơm tiền giải cứu cho thị trường tài chính trong thời khủng hoảng.

Do vậy, các quốc gia đang nắm giữ và thực hiện các giao dịch bằng USD tỏ ra lo ngại một ngày kia, giá trị USD sẽ bị “bốc hơi” và sự ổn định kinh tế, tài chính toàn cầu sẽ khó được đảm bảo.

Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã cơ cấu lại dự trữ ngoại hối bằng cách chuyển đổi một phần dự trữ USD sang vàng và một số ngoại tệ mạnh khác.

Mới đây, theo nguồn tin từ tờ báo The Independent (Anh), các quốc gia sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh đã cùng một số “đại gia” tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Pháp đã âm thầm xúc tiến kế hoạch thay thế USD bằng rổ tiền tệ trong giao dịch dầu mỏ để giảm bớt sự phụ thuộc vào “sức khỏe” đồng USD và đảm bảo lợi ích của các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ.

Rổ tiền tệ này bao gồm yên Nhật, nhân dân tệ, đồng euro, vàng và một đồng tiền chung dự kiến của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (gồm Qatar, Arập Xêút, Abu Dhabi và Kuwait.

Ngoài ra, cũng theo The Independent, Brazil cũng tỏ ý muốn tham gia kế hoạch này với tư cách là quốc gia có vị thế mạnh trong sản xuất và tiêu thụ dầu.

Kế hoạch chuyển sang giao dịch dầu mỏ bằng rổ tiền tệ nói trên sẽ chính thức được thực hiện vào năm 2018. Vàng có thể sẽ được sử dụng là phương tiện thanh toán các giao dịch dầu mỏ trong thời kỳ quá độ.

Nguồn vàng sử dụng cho kế hoạch này sẽ được lấy từ kho dự trữ của Abu Dhabi, Arập Xêút, Kuwait và Qatar, ước tính khoảng 2.100 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch nói trên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Arập Xêút khẳng định thông tin trên tờ The Independent là thất thiệt, còn Thứ trưởng Tài chính Nga Dmitry Pankin cho rằng: “Chúng tôi hoàn toàn không biết gì về kế hoạch này”.

Xem ra đây là một kế hoạch tuyệt mật, chưa có quốc gia nào trong nhóm quốc gia nói trên đứng ra khẳng định về sự tồn tại của nó, nhưng “không có lửa thì làm sao có khói”. Đến nay, trên thế giới mới chỉ có Iran, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 của OPEC, đã hoàn toàn chấm dứt giao dịch dầu bằng USD và chuyển toàn bộ dự trữ ngoại hối quốc gia từ USD sang euro.

Về quan hệ song phương, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng sử dụng đồng tiền quốc gia để thanh toán các giao dịch dầu mỏ.

Thủ tướng Nga Putin cho biết, vấn đề này sẽ được quyết định tại hội nghị các bộ trưởng tài chính của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tổ chức vào cuối năm nay tại Kazakhstan.

Giới chuyên gia cho rằng việc thay thế đồng USD bằng rổ tiền tệ trong giao dịch dầu mỏ là hết sức khó khăn, bởi vì xác định tỉ lệ của các đồng tiền trong rổ tiền tệ rất phức tạp, tốn rất nhiều thời gian. Hơn nữa, không dễ để tìm ra được đồng tiền tự do chuyển đổi như USD hiện nay.

Lộ trình cho kế hoạch nói trên đến nay vẫn chưa có đáp số và cũng chưa được quốc gia nào xác nhận, nhưng đây có thể là hồi chuông cảnh báo Mỹ cần nhanh chóng tìm giải pháp khả thi để nâng cao “sức khỏe” cho đồng USD nhằm tránh nguy cơ bị “tẩy chay” trong các giao dịch quốc tế, nhất là giao dịch dầu mỏ./.

(Thế giới Vàng/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục