Đẩy mạnh công tác tiếng Việt tại Lào, Campuchia

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang chuẩn bị thực hiện dự án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt tại Lào và Campuchia."
Ngày 20/4, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức hội thảo để trao đổi ý kiến với các cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện một số công cụ và biện pháp, chuẩn bị thực hiện dự án thí điểm “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt tại Lào và Campuchia."

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác điều tra, khảo sát thực trạng công tác tiếng Việt cũng như thảo luận về tài liệu tập huấn phương pháp dạy học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào và Campuchia.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến năm 2020” nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết và ngày càng lớn của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cũng như yêu cầu ngày càng cao của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Sau khi trình Thủ tướng Chính phủ, đề án đã được phép triển khai thí điểm tại sáu nước, bao gồm Lào, Campuchia (đại diện các nước láng giềng); Nga, Séc (đại diện các địa bàn truyền thống tại châu Âu); Mỹ và Canada (đại diện khu vực có đông kiều bào nhất) trong năm 2010.

Ủy ban đã phối hợp xây dựng, hoàn thiện dự án thí điểm đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam tại sáu nước trên.

Mục tiêu cụ thể của dự án là có được những đánh giá sát thực nhất về tình hình, thực trạng và tiến hành những bước thử nghiệm đầu tiên về công tác tiếng Việt tại sáu địa bàn trọng điểm thuộc ba khu vực nói trên.

Kết quả của việc triển khai thí điểm sẽ được áp dụng ngay và trực tiếp vào công tác vận động kiều bào, kết hợp với việc tổng kết, đánh giá đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và làm căn cứ cho việc xây dựng đề án tổng thể từ nay đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đề án đã đưa ra khái niệm “công tác tiếng Việt” với mục tiêu là đồng bào ở nước ngoài duy trì, sử dụng được tiếng Việt cả về nghe, nói, đọc và viết, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc./.

Hoàng Thị Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục