"Tiếng thét" có thể được bán với giá 80 triệu USD

Một phiên bản của bức trang nổi tiếng "The Cream" (Tiếng thét) do họa sỹ Edvard Munch thực hiện, có thể đạt giá 80 triệu USD từ đấu giá.
Một phiên bản của "The Scream" (Tiếng thét), một trong những bức họa nổi tiếng và là hình ảnh biểu tượng của sự tuyệt vọng, sẽ được đem bán trong tháng Năm này tại New York, nơi nó có thể đạt mức giá ít nhất 80 triệu USD, nhà đấu giá Sotheby's cho biết hôm thứ Ba.

Doanh nhân Na Uy Petter Olsen, có người cha là người bảo trợ cho họa sỹ Edvard Munch - tác giả các bức "Scream", sở hữu bức tranh kể trên. Bức tranh sẽ được bán tại New York vào ngày 2/5, trong mùa kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật Hiện đại và theo trường phái Ấn tượng.

Sotheby's mô tả "The Scream" là "một trong những tác phẩm sẽ được nhận ra ngay lập tức trong cả lịch sử nghệ thuật lẫn văn hóa đại chúng và mức phổ biến của nó có lẽ chỉ đứng thứ 2, sau có bức họa 'Mona Lisa.'"

Có 4 phiên bản của bức tranh - gồm cảnh một người đàn ông đang gào thét và ôm đầu trước khung cảnh lượn sóng với tông màu sáng - nhưng chỉ có một bức duy nhất thuộc sở hữu tư nhân.

Ảnh hưởng của bức tranh kể trên - được chính Munch mô tả là ghi lại một khoảnh khắc lo âu tới tê liệt bản thân khi đang dạo chơi cùng bạn trên các ngọn đồi ở Oslo - là khó có thứ gì có thể so sánh.

Nó cũng được nhắc tới trong vô số các cuốn sách, phim và triển lãm.

Hai phiên bản khác của bức tranh đã từng bị đánh cắp từ các bảo tàng, dù về sau chúng được tìm thấy trở lại. Rất nhiều họa sỹ, từ sinh viên cho tới các bậc thầy, đã sao chép lại bức tranh này và nó được cả giới trong nghề lẫn công chúng nói chung đều biết khá rõ.

Với năm đề 1895, bức "The Scream" được Sotheby's chào bán vẽ bằng màu phấn tiên (pastel) và là bức duy nhất  có một trong hai nhân vật thuộc hậu cảnh của bức tranh quay người nhìn ra phía bên ngoài. Tác phẩm sẽ được triển lãm tại Sotheby's ở London vào ngày 13/4 và New York trong ngày 27/4, trước khi được đem bán.

Olsen cho biết ông muốn tiền thu từ việc bán bức tranh sẽ dùng để mở một bảo tàng và khách sạn mới tại trang trại của ông ở Hvitsten, Na Uy.

Munch chết tại quê nhà Na Uy vào năm 1944, ở tuổi 80. Trong một bài thơ, người nghệ sĩ viết trên khung bức tranh sắp đem bán, Munch đã tả lại cảm giác "mệt chết người" và trong khi để bạn đi tiếp, ông "tụt lại phía sau/rùng mình vì nỗi lo âu/cảm thấy tiếng thét vĩ đại trong thiên nhiên."

Hai vụ trộm chỉ khiến Scream thêm nổi tiếng. Vụ đầu xảy ra vào năm 1994 ở Na Uy, khi chúng đột nhập Bảo tàng Quốc gia ở Oslo và lấy đi bức tranh. Tác phẩm đã được thu hồi vô hại vào cuối năm đó. Một thập kỷ sau, các tay súng có vũ trang đã tấn công bảo tàng Munch ở Oslo và lấy đi một số tác phẩm của ông cùng bức Scream vẽ năm 1910. Cả hai được thu hồi 2 năm sau đó./.
 
Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục