Thủ tướng chỉ rõ năm nhiệm vụ cho đến cuối năm

Ngày 5/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%.

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư, diễn ra ngày 5/5, Thủ tướng khẳng định tình hình kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng, dịch vụ phát triển, du lịch tăng khá. Việt Nam đã kiểm soát được kinh tế vĩ mô, giá cả có xu hướng giảm, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang từng bước được hạ xuống, xuất khẩu tăng, góp phần quan trọng giảm nhập siêu...

Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010 đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng chỉ rõ năm nhiệm vụ từ nay đến cuối năm mà các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, giá, tỷ giá hối đoái, lãi suất huy động, lãi suất cho vay phải được kiểm soát chặt chẽ, giảm mạnh hơn nữa nhập siêu, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, giảm bội chi ngân sách Nhà nước.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư phát triển, trong đó tập trung ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm phục vụ sản xuất và đời sống; đồng thời với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Các đơn vị này cũng cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, đồng thời tập trung rà soát các thủ tục hành chính để loại bỏ, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; cùng với đó tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan tâm giải quyết nhanh, dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân.

Để thực hiện có hiệu quả giảm nhập siêu - một vấn đề nổi cộm trong kinh tế hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xét thấy chưa thực sự cần thiết và thực hiện tốt cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.''

Kết quả thực hiện trong tháng Tư và bốn tháng đầu năm của cả nước cho thấy thu ngân sách Nhà nước đạt mức khá cao so với cùng kỳ năm trước (tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước lũy kế đến 15/4 đạt 134,93 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2% dự toán năm); đầu tư phát triển được đẩy mạnh (bốn tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước đạt 33,43 nghìn tỷ đồng, bằng 26,7% kế hoạch năm).

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu có chuyển biến tích cực (bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,16 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước); tốc độ tăng giá đang có xu hướng giảm dần (CPI tháng Tư chỉ tăng 0,14%, mức thấp nhất kể từ đầu năm)...

Bốn tháng đầu năm, cả nước tạo việc làm cho khoảng 475.000 lao động, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó xuất khẩu lao động khoảng 30.500 người, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ đã ban hành chính sách tăng mức hỗ trợ 1,5 lần so với trước cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Chỉ tính riêng trong dịp Tết Canh Dần vừa qua, Chính phủ đã hỗ trợ 35.700 tấn gạo cho nhân dân ở 16 tỉnh, tặng quà cho hơn 1,8 triệu người thuộc các đối tượng có công, với tổng kinh phí quà tặng trên 378 tỷ đồng...

Triển khai thực hiện sáu nhóm giải pháp theo Nghị quyết 18 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng.

Các bộ, ngành, địa phương tích cực theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, tình hình cung-cầu, giá cả các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là những mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, không tăng giá bất hợp lý, tổ chức hệ thống phân phối, tham gia vào việc bình ổn thị trường.

Bộ Công Thương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu các chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu; rà soát lại các quy định hiện hành về xuất khẩu.

Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt các các công cụ thuế, phí, lệ phí và các biện pháp thích hợp với hàng xuất nhập khẩu.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã kiểm tra, thanh tra tại 17 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, phân hóa học, khí hóa lỏng, ximăng, thức ăn chăn nuôi... phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đối với một số doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để tăng cường thu hút, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn ODA và FDI.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáu đoàn kiểm tra tại các địa phương và bảy đoàn kiểm tra tại các bộ, ngành, tập đoàn và tổng công ty Nhà nước về tình hình đầu tư, quản lý sử dụng vốn đầu tư; rà soát lại các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; hướng dẫn điều chuyển vốn, rà soát theo hướng tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách; rà soát lại các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA; thúc đẩy giải ngân vốn FDI.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại./.

Quang Liên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục