Hà Nội quyết tâm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Hà Nội đề ra nhiều giải pháp vực dậy những lĩnh vực yếu kém và khôi phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) vừa bị sụt giảm.
Tiếp nối đà tăng trưởng khá của năm trước, Hà Nội đã tự tin bước sang năm 2013, dù trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thử thách.

Thực tế cho thấy, khởi đầu năm 2013, kinh tế Thủ đô đã có nhiều tín hiệu tốt, tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, mặc dù kinh tế thành phố có mức tăng trưởng khá, nhưng nhiều chỉ tiêu quan trọng lại chưa đạt hoặc thấp hơn so với cùng kỳ. Vì vậy, Hà Nội đang đề ra nhiều giải pháp mạnh, tập trung vực dậy những lĩnh vực còn yếu kém, đặc biệt là khôi phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) vừa bị sụt giảm mạnh.

Chủ động bắt nhịp sớm

Kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo điều hành của Hà Nội cho thấy khi kết thúc một năm cần có tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm sớm, qua đó sẽ giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho năm tiếp theo một cách kịp thời, tạo được động lực tốt cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, khi năm 2012 chưa kết thúc, Hà Nội đã giao kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách năm 2013 tới tất cả các đơn vị ở ba cấp.

Bám sát năm nhiệm vụ chủ yếu, hai khâu đột phá, cùng chín chương trình công tác của Thành ủy, ngay từ đầu năm 2013, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành chương trình hành động cụ thể và tổ chức phổ biến, quán triệt tinh thần, triển khai thực hiện rộng rãi trên toàn địa bàn.

Nhận thấy khâu yếu kém nhất hiện nay là tình trạng thủ tục rườm rà, nhiêu khê; nhiều cán bộ còn quan liêu, chưa tận tâm công việc đã cản trở bước phát triển, nhất là hạn chế thu hút đầu tư, nên Hà Nội đã xác định lấy năm 2013 là “Năm kỷ cương hành chính.”

Thực tế cho thấy, việc sụt giảm mạnh chỉ số năng lực cạnh tranh có nguyên nhân không nhỏ liên quan đến các lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý đất đai, bất động sản, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.

Vì vậy, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và doanh nghiệp, để lắng nghe tâm tư, nguyên vọng, những khó khăn, trăn trở của các chủ đầu tư và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, cũng như cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về vốn, lãi suất, thuê quyền sử dụng đất, hoãn, giãn nộp thuế, thành phố đã tổ chức hai cuộc đối thoại giữa chính quyền, ngân hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thành phố đã trích ngân sách hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, tăng cường xúc tiến, quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nội không thu vào ngân sách số tiền hàng ngàn tỷ đồng do miễn, hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp.

Nhờ những nỗ lực đó, tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) quý 1/2013 tăng 7,5%, cao hơn mức 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dịch vụ và nông nghiệp đều tăng. Còn công nghiệp, xây dựng lại giảm do sức mua của thị trường giảm, vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hạn chế.

Thống kê trong ba tháng đầu năm, có tới 25 trong tổng số 45 sản phẩm công nghiệp giảm sản lượng, trong đó 5 sản phẩm giảm tới 60%. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều dự án đầu tư xây dựng giãn tiến độ hoặc tạm dừng.

Giải pháp khôi phục năng lực cạnh tranh

Một vấn đề dư luận đang quan tâm, cũng như lãnh đạo Hà Nội trăn trở là làm sao để khôi phục nhanh chỉ số năng lực cạnh tranh. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng vừa yêu cầu các đơn vị chức năng phải nghiêm túc xem xét, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết bằng những việc làm quyết liệt, không ngừng đổi mới trong cách điều hành, chỉ đạo, triển khai thực hiện và siết chặt kỷ cương, Hà Nội đang đặt quyết tâm trong năm nay sẽ có nhiều biện pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhiệm vụ trước tiên là phải khôi phục đà tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trong đó xoáy sâu vào 7 nhóm giải pháp bao gồm hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ vay vốn, lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thực hiện các chính sách tài khóa; tháo gỡ thị trường bất động sản; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên phương tiện truyền thông và thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đối với lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, Hà Nội đề ra hàng loạt các giải pháp như hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phân khu, các cơ chế chính sách đồng bộ để tạo điều kiện triển khai các dự án đầu tư.

Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ công dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách trong thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, rút ngắn thời hạn thông quan; tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất kinh doanh; xây dựng, ban hành khung giá đất sát với giá thực tế thị trường; hoàn thành việc rà soát quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục