Phó Thủ tướng đánh giá cao cơ cấu dân số "vàng"

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, những năm qua ngành dân số đạt được nhiều thành tựu, nhờ vậy có được cơ cấu dân số “vàng."
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, những năm qua ngành dân số đã đạt được những thành tựu rất tự hào, nhờ vậy có được cơ cấu dân số “vàng." Sáng 24/9, phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số 2003-2013 tổ chức tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vấn đề dân số vô cùng quan trọng, không chỉ có tác động đến hiện tại mà có ý nghĩa cho sự phát triển của đất nước trong vài chục năm. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 thành tựu nổi bật của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình như Việt Nam đã duy trì được tỷ suất sinh, đã đạt và giữ vững mức sinh thay thế trong nhiều năm. Từ năm 1960, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam là 6,3-6,4 con; đến năm 2012, con số này giảm xuống, chỉ còn 2,05 con. Bên cạnh đó, Việt Nam đã duy trì mức sinh hợp lý, nhờ vậy có được cơ cấu dân số “vàng" và sẽ kéo dài đến năm 2049; tuổi thọ bình quân tăng từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73 tuổi (2012); tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% (1960) xuống chỉ còn 1,06% (2012)... Cùng với những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trong thời gian tới. Đó là, dù tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đã đạt mức sinh 2 con nhưng xét từng địa phương, vùng miền thì có nơi rất cao, nhưng có nơi lại rất thấp như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vùng Đông Nam bộ; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, cả nước hiện nay ở mức 112,3 bé trai/100 bé gái và xu hướng còn tăng lên trong thời gian tới; Vấn đề chăm sóc người cao tuổi không đồng đều, hầu như chỉ mới tập trung tại các thành phố lớn, nơi có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội… Từ những khó khăn, thách thức trên, Phó Thủ tướng đề nghị ngành dân số khi xây dựng chính sách phải có tầm nhìn xa và phải có sự tính toán cho phù hợp. Vì vậy khi xây dựng dự Luật Dân số, ngành dân số tiếp thu các bài học trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, hơn 50 năm thực hiện chính sách dân số của Việt Nam, các bài học quốc tế, cả bài học thành công cũng như chưa thành công… để có được một bộ luật tốt nhất, phù hợp, thúc đẩy công tác dân số nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung. Tại hội nghị, ông Arthur Key, Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sớm đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến 2015. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam sớm xây dựng dự thảo Luật Dân số trình quốc hội./.
Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 9/1/2003, có hiệu lực từ ngày 1/5/2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 PLDS được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 27/12/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành PLDS của Chính phủ, của các Bộ, ngành có liên quan.

Pháp lệnh Dân số là văn bản pháp lý cao nhất của nước ta trong lĩnh vực dân số, có phạm vi điều chỉnh khá rộng và toàn diện, bao gồm những vấn đề liên quan đến kết quả của dân số (quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số) và đến quá trình dân số (sinh, chết, di cư, phát triển về thể chất, trí tuệ và tinh thần của con người); quy định các nội dung quản lý nhà nước về dân số và công tác dân số.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục