Nâng cao vai trò của QH trong thẩm tra, phản biện

Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan Quốc hội trong hoạt động thẩm tra, phản biện.
Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII từ 15-19/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu lên một số vấn đề cần được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới như nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động thẩm tra, phản biện.

Bên cạnh đó, cần đề xuất xử lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau, các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội; cương quyết đưa ra khỏi chương trình những nội dung chưa được chuẩn bị kỹ, không đảm bảo chất lượng;

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết phiên họp nhằm thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn những kỳ họp sau và cho ý kiến bước đầu về hướng chuẩn bị kỳ họp thứ 7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về những vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau trong 1 số luật; xem xét dự án Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay; nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Ủy ban cũng cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010; tình hình quản lý, sử dụng ngân sách phục vụ các hoạt động của Quốc hội năm 2009; quyết định phân bổ ngân sách phục vụ các hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn và quyết định chương trình công tác 2010; thông qua chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2010 của các cơ quan của Quốc hội.

Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, dự kiến sẽ có 12 dự án luật và Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao…

Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp thu chỉnh lý các dự thảo luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng chuẩn bị các dự án; các cơ quan của Quốc hội sớm tiếp cận thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất việc cải tiến cách thức trình bày các tờ trình, báo cáo để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả…

Đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tạo được dấu ấn tốt, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri, được cử tri và nhân dân đánh giá cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển trên mọi mặt của đất nước.

Một trong những điểm nhấn để lại ấn tượng tốt, đáp ứng mong đợi của nhân dân là việc Quốc hội tiếp tục có những cải tiến mạnh mẽ trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng khoa học, tập trung, thực chất hơn.

Nội dung chất vấn thực sự có sức cuốn hút và hấp dẫn, vừa cụ thể vừa bao quát, đề cập những vấn đề bức xúc của cuộc sống, giúp nhân dân hiểu rõ, sâu sắc hơn thực chất, nguyên nhân của vấn đề, trách nhiệm của người được chất vấn và người chất vấn…

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cần được tiếp tục cải tiến, khắc phục một số hạn chế trong hỏi và trả lời tại kỳ họp sắp tới; chủ động đôn đốc, theo dõi, tổng hợp việc thực hiện lời hứa của các vị đã trả lời chất vấn và giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại các phiên họp củaủy ban và từng bước thí điểm việc điều trần tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức, tiến hành kỳ họp, trong đó chú trọng tranh luận, phản biện…

Cơ bản đồng tình với đánh giá về kết quả kỳ họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thế Vượng, Phùng Quốc Hiển, Nguyễn Văn Thuận, Đào Trọng Thi, Lê Quang Bình cũng góp ý thêm một số vấn đề để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Các ý kiến gồm cung cấp thêm thông tin để các đại biểu tham khảo khi thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế-xã hội; cải tiến công tác thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội theo hướng quan tâm hơn các vấn đề xã hội, đáp ứng yêu cầu của các đại biểu; xem xét lại quy trình thẩm tra các dự án luật để tránh tình trạng không khớp nhau giữa tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Theo các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất lượng hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào chất lượng của các kỳ họp; cần thực hiện tốt ngay từ khâu chuẩn bị, điều hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục