Khách về Hà Nội "mếu" vì bị nhồi nhét và "chặt chém"

Người dân trở về thủ đô Hà Nội với hành trình kiệt sức vì bị “nhồi nhét” và “hét” giá vé xe gấp nhiều lần trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Sau vài ngày thở phào, các bến xe lớn ở Hà Nội trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ (1/5) lại phải mướt mồ hôi với lượng khách khổng lồ so với ngày thường. Sự gia tăng đột biến ấy cũng khiến hàng ngàn lượt khách đổ về thủ đô phải chịu đựng không ít mệt mỏi trong hành trình kiệt sức vì bị “nhồi nhét” và “hét” giá vé đi đường gấp nhiều lần ngày thường.
Nhà xe mặc sức “hét” giá Nhăn nhó vác chiếc balô nặng trịch, Thế Anh, sinh viên đại học Giao thông Vận tải Hà Nội nói cậu đã phải rút ví tới hơn 200.000 đồng cho quãng đường từ Thanh Hóa lên Hà Nội. Số tiền này, theo cậu sinh viên năm thứ nhất, đã bị cánh nhà xe thổi lên gấp đôi so với ngày thường. Thậm chí, nếu so với cách đây vài hôm khi từ Hà Nội về Thanh Hoá, giá vé vốn cao đã bị đẩy thêm 50.000 đồng. "Hôm em về quê thứ bảy tuần trước, vé xe cũng bị hét giá nhưng vẫn ở mức 150.000 đồng nhưng tới chiều nay thì nhà xe nào cũng đồng loạt lên 200.000 đồng cả," Thế Anh hậm hực. Theo cậu thanh niên quê Thanh Hoá, mặc dù phải bỏ số tiền gấp đôi ngày thường nhưng cậu vẫn còn may mắn vì được ngồi ngay ngắn trên ghế mềm. Chỉ vài chục cây số trên đường ra Hà Nội, chiếc xe khách 45 chỗ vốn đã chẳng còn chỗ trống đã vẫy thêm được không ít khách. Cánh phụ xe hò nhau gá thêm một dãy ghế nhựa ở giữa sàn rồi mặc kệ thái độ của khách trên xe, hùng hục đẩy những người mới về phía cuối xe. Thậm chí, khoang ghế phụ ngay cạnh vị trí lái xe cũng được tận dụng triệt để với 4, 5 khách chen nhau để... tránh say xe. "Nhiều người tỏ thái độ nhưng vẫn phải nhăn nhó chấp nhận vì mặc dù lượng xe qua lại rất đông nhưng hầu như xe nào cũng trong tình trạng tương tự," Thế Anh nói. Chung tình trạng này, nhiều hành khách đi chặng ngắn như Hà Nội-Phủ Lý đều phàn nàn, họ buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi Nam Định, Ninh Bình vì nếu không nhà xe sẽ không chịu chở. [Hà Nội sẽ xử lý mạnh xe khách vi phạm dịp nghỉ lễ] Thậm chí, rất nhiều hành khách tuyến Thái Bình, Phú Thọ, Nghệ An,... về Hà Nội còn mắc bẫy nhồi nhét khách của chủ xe. Mệt lử vì gần trăm cây số từ Phú Thọ về Hà Nội, bác Nguyễn Thị Quýnh bảo, chưa bao giờ quãng đường lên Hà Nội lại khó khăn đến thế. Vốn sợ cảnh chen lấn, bác Quýnh lựa vài lượt xe qua lại mới dám lên chiếc xe khách còn trống ghế ngồi phía cửa xe. Thế nhưng, vừa định ngồi xuống, cậu thanh niên phụ xe tuổi chỉ ngoài hai mươi vội lớn tiếng bảo, đó là chỗ đặt trước, ai lên xe cũng phải theo hàng lối mà ngồi xuống phía cuối. "Thế nhưng mà hàng lối mà cậu đó bảo là mấy chiếc ghế nhựa xanh, đỏ ở giữa sàn. Mấy khách đi quen bảo tôi mới biết, hoá ra đó chỉ là ghế để câu khách," bác Quýnh bực bội. Theo nhiều hành khách, mánh "dàn dựng" này mặc dù không mới nhưng đã được cánh nhà xe áp dụng khá triệt để trong ngày hành khách tăng đột biến như chiều nay. "Nhiều người lỡ lên xe vì mệt mỏi nên cũng chẳng muốn đổi xe khác. Mà có đổi thì có khi cũng vẫn phải chen lấn, thêm việc phải đợi chờ lâu la, vậy nên đành cắn răng chịu," chị Đỗ Thị Yến, một hành khách hay đi tuyến Hoà Bình-Hà Nội thở dài.
Đường dây nóng Bến xe xử lý thu sai giá vé
Hình ảnh chen lấn, lộn xộn trên những chuyến xe khách kể trên thậm chí còn bị kéo dài khi xe đã về tới các bến xe ở Hà Nội. Một trong những điểm nóng nhất trong buổi chiều nay phải nhắc tới bến xe Mỹ Đình. Mặc dù dã dành hẳn một con đường khá thoáng phía hông cho xe vào bến nhưng hàng chục xe ở các tỉnh cùng trả khách khiến cả khu vực này nhanh chong tắc cứng. Rất nhiều hành khách không chịu được cảnh chôn chân ở quãng đường chỉ cách bến trăm mét đã tự mình cuốc bộ ra phía đầu đường Phạm Hùng. Tình hình cũng lộn xộn không kém ở phía cổng chính khi hàng trăm người đều cố gắng thoát ra khỏi cảnh kín đặc người trong bến. Đoạn vỉa phía mặt đường chính của bến xe thậm chí không còn một chỗ trống trong buổi chiều nay. Hàng dài xe máy, xe đạp của khách đến đón người thân đã khiến bãi gửi xe phía trong sân quá tải và tràn cả ra đầu đường. Góp phần không nhỏ vào khung cảnh này là cánh taxi và xe ôm thi nhau lượn bắt khách.

Càng gần chiều, lượng xe khách các tỉnh đổ về bến xe ngày một đông. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với những bến xe lớn khác như Giáp Bát, Gia Lâm, tình hình cũng không thoáng đáng hơn. Vì không có vỉa hè rộng như bến Mỹ Đình nên mặt đường Giải Phóng, phía cửa bến xe Giáp Bát thậm chí còn bị hành khách xuống xe cùng lượng lớn người nhà chiếm tới gần một nửa. Phía trong bến, khu vực nóng nhất có lẽ là những điểm chờ xe buýt. Hàng trăm người bu kín phần đường chờ xe rồi nháo nhào rảo bước lên những chiếc xe buýt lặc lè khiến nhiều người không khỏi mệt mỏi. "Ngồi hơn trăm cây số, tưởng về đến bến thì đỡ mệt nhưng chen lấn xe buýt cũng nháo nhào thế này thì có lẽ tôi phải nhờ người thân ra đón," chị Thuý Hạnh, một hành khách vừa xuống bến Giáp Bát ngán ngẩm. Theo ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm, sau đợt nghỉ kéo dài, ngày hôm nay, người dân từ các tỉnh sẽ đổ về các bến và cao điểm nhất từ 3 giờ đến 6 giờ tối. “Lượng khách về bến vào cùng một thời điểm và vượt tới 170-180% so với ngày thường,” ông Trúc đưa ra nhận định. Bên cạnh đó, ông Trúc cũng cho biết thêm, xe buýt không vận chuyển hết được số khách đang có mặt tại bến Gia Lâm. “Mặc dù xe buýt được tăng cường nhưng có thể do ùn tắc các tuyến giao thông nội đô nên xe buýt về bến chậm chễ nên khả năng ảnh hưởng đến việc giải tỏa khách ngay tại bến,” ông Trúc đánh giá. Đề cập đến việc hành khách bị nhà xe nhồi nhét, “chặt chém” giá vé, ông Trúc khẳng định, người dân đi xe nếu gặp tình trạng đó thì hãy điện về đường dây nóng của bến xe 38.271.529- 0913.234.684 và lãnh đạo bến sẽ thực hiện đình tài xe đồng thời yêu cầu nhà xe khắc phục vi phạm và hoàn tiền cho khách. Tuy nhiên, đến thời điểm 17 giờ chiều nay (1/5), lãnh đạo Bến xe Gia Lâm, Bến xe Giáp Bát vẫn chưa nhận được phản ánh về tình trạng thu vé cao hơn so với quy định của các xe khách. Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, Công ty đã lập các đường dây “nóng” của của bến xe và Giám đốc một số Bến xe tại Hà Nội để khi hành khách bị “bắt chẹt” thì sẽ phản ánh về thông tin doanh nghiệp để bến có phương án xử lý. Cụ thể, đường dây nóng của Bến xe phía Nam có số 04. 38.641.467-0913.305.885, Bến xe Mỹ Đình: 04.37.685.549-0913.230.819, Bến xe Gia Lâm: 38.271.529-0913.234.684. “Trong quá trình đi lại bằng xe khách dịp này, người dân phát hiện doanh nghiệp xe khách nào thu giá vé sai so với niêm yết, đồng thời ‘bắt chẹt’ và ‘nhồi nhét’ hãy phản ánh ngay đến lãnh đạo bến xe qua đường dây nóng trên, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc,” ông Trung chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho biết thêm, chậm nhất đến trưa ngày mai (2/5), Công ty sẽ gửi thông báo đến các cơ quan thông tin về việc xử lý tình trạng thu sai giá vé và có các biện pháp “răn đe” đối với các hãng xe trong dịp nghỉ lễ này./.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục