Phương án điểm sàn tuyển sinh: Tính sao cho phải?

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm trúng tuyển của các trường đại học, cao đẳng không được thấp hơn điểm sàn. Mùa tuyển sinh năm 2012, điểm sàn lại một lần nữa là nỗi bức xúc của các trường. Thực tế tuyển sinh bi đát của rất nhiều đại học, cao đẳng, cả trong và ngoài công lập trong mùa thi năm 2012, đã khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chính thức nhìn nhận lại cách tính điểm sàn. Lần đầu tiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga phải thừa nhận: “Tuy đã dựa trên nhiều thông số nhưng dường như, cách tính điểm sàn hiện nay chưa thật chắc chắn, cơ sở để xây dựng chưa vững vàng, thực tế không phát huy được tác dụng.”
Sau 10 năm tính toán điểm sàn, kể từ năm 2002, khi thực hiện phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi), Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận cách tính điểm sàn này có vấn đề, chưa chính xác và kêu gọi các ý kiến đóng góp.

Bức xúc cách tính điểm sàn

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm trúng tuyển của các trường đại học, cao đẳng không được thấp hơn điểm sàn. Do đó, đây luôn là con số được hàng vạn thí sinh trông đợi mỗi mùa tuyển sinh vì nó quyết định sự đỗ, trượt của các em.

Trong nhiều năm trở lại đây, điểm sàn tương đối ổn định ở ngưỡng từ 10 đến 11 điểm với bậc cao đẳng và từ 13 đến 14 điểm với bậc đại học, tùy theo từng khối thi.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bùi Văn Ga, điểm sàn luôn được tính toán để tổng số thí sinh đạt trên sàn cân đối với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường đại học, cao đẳng lại cho rằng cách tính điểm sàn của Bộ chưa chính xác, tổng số thí sinh đạt trên điểm sàn không tương ứng với tổng số chỉ tiêu, dẫn đến việc các trường khó tuyển sinh.

Vấn đề điểm sàn càng được đặt ra nhiều hơn khi liên tục trong vài năm gần đây, nhiều trường, nhất là các trường ngoài công lập, không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Để cứu vãn tình trạng tuyển sinh "bi đát", Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã nhiều lần đề nghị Bộ thay đổi cách tính điểm sàn, hoặc được phép có điểm sàn riêng, ở mức thấp hơn các trường công lập, nhưng đều bị từ chối.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc khó tuyển sinh của các trường do chất lượng đào tạo kém, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nên không thu hút được thí sinh.

Mùa tuyển sinh năm 2012 được coi là ảm đạm nhất từ trước đến nay khi nhiều trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu được giao, có trường vài chục em nhập học, thậm chí Đại học Dân lập Lương Thế Vinh còn không tuyển được thí sinh nào. Điểm sàn lại một lần nữa là nỗi bức xúc của các trường.

Theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, trường ông có đầy đủ điều kiện học tập, nơi ở sinh viên ổn định, thầy cô có chuyên môn, nên không thể nói do trường kém mà sinh viên không vào.

“Nguyên nhân trước tiên là cách xác định điểm sàn như của Bộ trong những năm qua thiếu chính xác, đã khiến số thí sinh đạt mức trên sàn thấp, trong khi các trường vẫn thiếu sinh viên. Hội đồng điểm sàn cho rằng, số thí sinh trên điểm sàn đảm bảo đủ cung cấp cho các trường, nhưng đến hạn chót, các trường vẫn không tuyển đủ, trong đó có nhiều trường công lập,” ông Nghị phân trần.

Cùng quan điểm này, ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Phương Đông cho biết ngay cả trường có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giảng viên ngoại như Đại học Tân tạo cũng chỉ tuyển được 30 sinh viên trong mùa tuyển sinh năm 2012.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cụ thể, công khai cách tính điểm sàn. Bộ nói rằng số thí sinh đạt điểm sàn trở lên đủ nguồn tuyển cho các trường, vậy Bộ cho biết những em này đang ngồi ở đâu, học trường nào? Nếu đúng là các em vì không muốn vào trường ngoài công lập nên ở nhà thì chúng tôi mới tâm phục khẩu phục là do chất lượng của mình kém,” ông Dụ bức xúc nói.

Bộ lúng túng

Bức xúc của các trường cùng thực tế tình trạng tuyển sinh bi đát của rất nhiều đại học, cao đẳng, cả trong và ngoài công lập trong mùa thi năm 2012, đã khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chính thức nhìn nhận lại cách tính điểm sàn.

Lần đầu tiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga phải thừa nhận: “Tuy đã dựa trên nhiều thông số nhưng dường như, cách tính điểm sàn hiện nay chưa thật chắc chắn, cơ sở để xây dựng chưa vững vàng, thực tế không phát huy được tác dụng.”

Ông Ga cho biết: “Bộ sẽ nghiên cứu thêm và lắng nghe các ý kiến để có thể xác định cách tính điểm sàn có tính thuyết phục nhất.”

Và với tinh thần đó, từ đầu tháng 3 này, Báo Giáo dục Thời đại, cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”.

Đây là một trong những động thái tích cực của Bộ để có thể tìm ra cách tính điểm sàn hợp lý nhất cho kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới. Các trường đại học, cao đẳng đang kỳ vọng cách tính điểm sàn mới sẽ giúp cho việc tuyển sinh thuận lợi hơn.

Việc xác định điểm sàn không chỉ liên quan đến các trường mà trước hết, nó quyết định trực tiếp việc đỗ và trượt của các thí sinh trong kỳ thi được coi là mang tính bước ngoặt và quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách của các em.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách tính điểm sàn của Bộ trong những năm qua luôn là một... bí mật. Hội đồng điểm sàn họp kín và chỉ công khai kết quả cuối cùng là số điểm. Thiết nghĩ, nếu Bộ công khai cách tính, cũng như các thông số liên quan thì có lẽ, việc kêu gọi hiến kế, tìm cách tính điểm sàn hợp lý đã diễn ra sớm hơn và theo đó, có thể, đã có thêm rất nhiều thí sinh có cơ hội bước chân vào giảng đường đại học./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục