Áp thấp cách biển Khánh Hòa-Bà Rịa-Vũng Tàu 150km

Hồi 13 giờ ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 150km.
Chùm ảnh đường đi và vị trí áp thấp nhiệt đới. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 6/11 phổ biến khoảng 40-100mm, một số nơi có lượng lớn hơn 150mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 158mm, A Lưới (Huế) 152mm, Nam Đông (Huế) 205mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 124mm. Ở Tuy Hòa (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa) đã có gió giật mạnh cấp 6.

Hồi 13 giờ ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50-61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đến 1 giờ ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Đến 13 giờ ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Đến 1 giờ ngày 8/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 100,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có giật cấp 8, cấp 9.

Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Từ gần sáng mai (7/11), vùng biển Cà Mau-Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh giật cấp 6-8. Biển động.

Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m.

Ngoài ra, hồi 13 giờ ngày 6/11, bão Haiyan có vị trí ở vào khoảng 7,6 độ Vĩ Bắc; 138,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25-30km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 8/11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.

Đến chiều 6/11, các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất các công tác chuẩn bị ứng phó, phòng tránh áp thấp nhiệt đới, khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 13) được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh có điện chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và ủy ban nhân dân các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh nghiêm cấm xuất bến kể từ 9 giờ ngày 6/11 cho đến khi có lệnh mới; thông báo cho các chủ bến và chủ phương tiện về diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn.

Nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo phụ huynh đến đón học sinh trong buổi trưa và đầu giờ chiều 6/11.

Tại huyện Cần Giờ, nơi dự báo bị ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết, mọi công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới đã được hoàn tất.

Từ sáng 6/11, huyện Cần Giờ đã di dời 1.605 người, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi ở khu vực xã đảo Thạnh An vào trú ngụ tại Trung tâm văn hóa, Nhà thiếu nhi, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Liên đoàn Lao động huyện (thị trấn Cần Thạnh).

Hơn 1.100 người cũng đã được hướng dẫn tập kết tại các khu vực an toàn trên đảo. Ngoài ra, gần 600 người dân ở 6 xã, thị trấn còn lại của huyện cũng được di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện hơn 1.350 phương tiện đánh bắt trên địa bàn huyện Cần Giờ đều đã được thông báo, hướng dẫn neo đậu hoặc di chuyển đến các khu vực an toàn.

Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã vận chuyển lương thực, thực phẩm xuống huyện Cần Giờ để cung cấp cho người dân. Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ cũng chỉ đạo ngành Giáo dục huyện cho học sinh nghỉ học từ sáng 6/11 để đảm bảo an toàn cho học sinh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục