"Mùa Xuân đến với Mẹ từ lòng hiếu thảo của con"

“Lọc cọc! Lọc cọc! Mẹ mang hương sắc xuân, vương trên từng con phố,” Thu Hà hãnh diện ca ngợi nghề bán hoa rong của người mẹ tần tảo.
“Lọc cọc! Lọc cọc! Mẹ mang hương sắc xuân, vương trên từng con phố,” Nguyễn Thu Hà, cô con gái út của bà Minh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế năm thứ nhất cất cao lời thơ ca ngợi mẹ trong bữa cơm chiều cuối năm.

Bà Minh nheo đôi mắt già nua, cười ngất ngư khi thấy cô con gái rượu nhìn cái nghề bán hoa rong của mình bay bổng đến thế.

Chồng mất sớm để lại cho bà Minh hai đứa con gái sinh đôi mới được hai tuổi. Bà ở vậy, một mình nuôi con ăn học và đến nay chúng đều đã bước vào ngưỡng cửa trường đại học. Đối với bà, thành tích học tập và tính nết ngoan ngoãn của các con mới là điều đáng nói, mới thứ là thứ đẹp đẽ để tự hào.

Bà Minh vốn là người ít học, nên với bà công việc lang thang trong các dãy phố từ sáng tới tối, bán những bông hoa chỉ là mối lo toan mưu sinh đơn thuần. Nay nghe con ca ngợi, bà không khỏi rưng rưng nước mắt.

Hà kể rằng, cái nghề bán hoa của mẹ cô rất vất vả. Không kể ngày nóng hay rét, cả đời mẹ cô chưa từng biết đến lễ Tết. Ngày ngày bà thức dậy từ 4 giờ sáng, ăn vội bát cơm nguội rồi đi lên Quảng Bá lấy hoa đi bán đến xẩm tối mới về, sau xe lại lịch kịch rau dưa, thịt cá.

Năm nào cũng vậy, những ngày Tết trong nhà chỉ có hai chị em quanh quẩn đón một vài người hàng xóm thân quen hay họ hàng tới chơi. Mẹ của các cô tham công tiếc việc, ngay từ ngày mùng một Tết bà đã tranh thủ tới các cửa đền, cửa chùa bán hoa lễ cho khách thập phương.

“Mẹ em cả đời tiết kiệm, tích tích góp góp cho hai đứa con. Từ khi chúng em vào cấp ba, mẹ nói sẽ phấn đấu mỗi năm dành dụm, cất đi hai chỉ vàng để đến khi hai đứa tốt nghiệp đại học mà có tí vốn vào đời,” Hà tâm sự.

Không biết thể hiện tình cảm bằng lời nói như em mình, Vân hiền lành, ít nói, thương mẹ chỉ biết nắn nắn, bóp bóp chân, tay cho bà trước vào mỗi tối đi ngủ.

“Nghề bán hoa cũng độc hại lắm, hoa bây giờ người ta thường phun thuốc nên bàn tay của mẹ em lúc nào cũng sun vào, nhăn nheo, khô khốc như bà già 70, mặc dù tuổi bà mới ngoài 50. Em rất thích cầm tay mẹ, có thể là hơi ích kỷ nhưng đối với em, tay mẹ đẹp hơn cả đôi bàn tay nõn nà của những người phụ nữ khác bằng tuổi mẹ,” Vân chạnh lòng nói.

Tết đến xuân về, người Việt Nam trên khắp đất nước thường hướng về với gia đình và cũng rất tự nhiên ai nấy đều có mong muốn biếu cha, mẹ những món quà đầu xuân.

Những ngày cận Tết, văn phòng làm việc của chị Thắm (Tây Hồ, Hà Nội) xôn xao bàn việc mua sắm, chuẩn bị quà cáp cho gia đình. Người này nói sẽ mua một cây mai trắng thật đẹp về tặng bố mẹ, người kia lại cho rằng năm nay thời tiết quá lạnh, họ sẽ biếu mẹ một chiếc đệm sưởi. Một cậu đồng nghiệp trẻ tuổi còn phấn khởi đến độ, quyết định sẽ dùng hết tiền thưởng Tết mua tặng hai cụ thân sinh một bộ dàn karaoke, để mấy cụ về hưu trong xã cùng hát cải lương cho vui.

Chị Thắm nghe những câu chuyện như vậy mà lòng buồn thăm thẳm, chị chia sẻ cùng với mấy người đồng nghiệp nữ trẻ: “Phải tranh thủ mà trả hiếu cha mẹ nhé! Mua gì cho chồng, con cũng nên nhớ đến cha mẹ mình nữa. Như chị, khi nghèo vất vả chỉ biết lo cho gia đình nhỏ của mình, đến khi thành đạt một chút, cha mẹ bệnh mất rồi, muốn biếu gì cũng chẳng được nữa.”

Chợt thấy Thu Hà và em gái đã mang lại niềm vui to lớn cho mẹ cô. Một lời nói trân trọng về công việc vốn bần hàn của mẹ, đã khiến bà Minh quên đi bao nỗi vất vả, đắng cay và ấm lòng hơn trong cuộc sống.

Mùa xuân đã về trên khắp đất nước, những người con lại được trở về quây quần bên cha mẹ, trong tay đã nặng chĩu những món quà thì hãy thêm vào đó cả những lời nói bay bổng, ngọt ngào để niềm vui, niềm hạnh phúc của những bậc làm cha, làm mẹ theo đó mà nhân lên gấp bội./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục