Mất cân bằng thương mại

Bức tranh toàn cảnh về bất cân bằng thương mại

Một nghiên cứu chung giữa OECD và WTO đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về sự bất cân bằng thương mại giữa các quốc gia.
Kết quả một nghiên cứu chung kéo dài hơn một năm qua giữa Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về sự bất cân bằng thương mại giữa các quốc gia trên thế giới.

Tờ Thời báo Tài chính ngày 16/1 cho biết kết quả nghiên cứu của OECD và WTO lần đầu tiên nêu bật những thiếu sót trong các nhãn hiệu như “sản xuất tại Trung Quốc” hoặc “sản xuất tại Đức,” khi tính đến xuất xứ nguồn gốc của các thành phần và dịch vụ hơn là sản phẩm cuối cùng.

Trong khi các số liệu thương mại truyền thống xếp loại việc bán một chiếc xe BMW được lắp ráp ở Munich sang Mỹ được coi là hàng xuất khẩu hoàn toàn của Đức, thì lại có nhiều thành phần được chế tạo ở bên ngoài nước Đức.

Cũng theo báo cáo trên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2009 không phải là 176 tỷ USD mà chỉ là 131 tỷ USD, thấp hơn 25% so với số liệu chính thức, bởi vì phần lớn giá trị của hàng điện tử xuất khẩu của Trung Quốc bao gồm nhiều thành phần có xuất xứ từ những nước khác như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Kết quả nghiên cứu cũng củng cố vị trí của Mỹ là đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất của Anh, bởi vì Mỹ là điểm tập kết cuối cùng của rất nhiều sản phẩm được sản xuất ở nội địa nhưng lại dựa vào các dịch vụ và nguyên liệu thành phần của nước Anh.

Việc nước Anh rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại như vậy tới Mỹ, do việc rút ra khỏi khối này làm hỏng quan hệ của Anh với các nước châu Âu khác.

Hai tổ chức trên nói rằng điều tra của họ xem hàng hóa và dịch vụ trong thực tế được sản xuất như thế nào cho thấy rõ sự "điên rồ" của những rào cản thương mại.

Angel Gurria, giám đốc của OECD nói: “Chúng ta nên coi hàng hóa và các dịch vụ là các sản phẩm “được sản xuất trên thế giới,” để có sự thay đổi tận gốc trong việc chúng ta đánh giá các dòng chảy thương mại như thế nào.”

Bản nghiên cứu chung sẽ làm suy yếu những yêu cầu ở Mỹ đòi dán nhãn mác cho Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ.”

Phát biểu tại buổi công bố nghiên cứu này, ông Gurria cho rằng việc đồng Nhân dân tệ bị cáo buộc định giá thấp hơn giá trị thực bây giờ là vấn đề “ít quan trọng và ít liên quan” hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ thật vô nghĩa khi tập trung chính sách về các vấn đề thương mại song phương.

Những số liệu này cũng cho thấy rằng 1/3 giá trị của một chiếc ôtô được sản xuất ở Đức có thể có nguồn gốc hàng hóa và dịch vụ từ nhiều nước khác. Như vậy theo OECD và WTO, Đức thực tế thu được lợi nhuận nhiều hơn từ các dịch vụ xuất khẩu hơn là từ việc xuất khẩu những hàng hóa mà nước này sản xuất ra.

Cũng trái ngược với các số liệu hiện có, nghiên cứu của OECD và WTO chỉ ra rằng Mỹ chứ không phải Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp./.

Ngân Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục