“VN tham gia tích cực khuôn khổ hợp tác khu vực”

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào khuôn khổ hợp tác, liên kết khu vực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực chính là một cách để xây dựng lòng tin, qua đó giúp giảm bớt nguy cơ xung đột, chính vì vậy Việt Nam luôn tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm vào các khuôn khổ hợp tác, liên kết trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 19, khai mạc tại Tokyo ngày 23/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chủ đề của hội nghị “Châu Á tìm kiếm biện pháp tăng cường liên kết và hội nhập” rất phù hợp với mối quan tâm chung của các nước Châu Á hiện nay, đó là tăng cường hợp tác và liên kết nhằm thúc đẩy hợp tác, vì lợi ích của mỗi quốc gia, lợi ích chung của khu vực và toàn cầu.

Phó Thủ tướng cho biết tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh và khó lường, ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề mới cũng như cơ hội mới ảnh hưởng đến tương lai của khu vực, cũng như tới tương lai chung của cả thế giới, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận, những ý tưởng mới về liên kết và hội nhập.

Để có thể tiếp tục tăng trưởng năng động, góp phần xây dựng một khu vực ổn định và thịnh vượng hơn nữa, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới cần tăng cường hợp tác và liên kết trong 6 lĩnh vực. Thứ nhất, tăng cường tự do hóa thương mại và đầu tư đi đôi với giảm thiểu rủi ro của đầu tư tài chính. Thứ hai, đảm bảo nguồn cung nhân lực cho các nước phát triển nhưng bị già hóa dân số và các nước đang phát triển thiếu nhân lực trình độ cao. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Thứ tư, phối hợp quản lý và khai thác bền vững nguồn nước, bao gồm cả các dòng sông. Thứ năm, nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ sáu, hợp tác bảo đảm an ninh mạng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ý tưởng hình thành 6 diễn đàn chuyên ngành khu vực Châu Á, gồm diễn đàn Châu Á về hợp tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; diễn đàn Châu Á về hợp tác đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và phát triển dịch vụ vận tải đường biển; diễn đàn Châu Á về hợp tác bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn nước; diễn đàn Châu Á về hợp tác đảm bảo an toàn không gian mạng; diễn đàn Châu Á về hợp tác phát triển nhân lực và việc làm ở nước ngoài và diễn đàn Châu Á về hợp tác đảm bảo minh bạch thị trường tài chính.

Mục tiêu của các diễn đàn nêu trên là nhằm rà soát, hỗ trợ các quốc gia thực hiện các luật lệ, quy định của Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan; trao đổi thông tin về các kinh nghiệm và mô hình tốt; thiết lập cơ sở dữ liệu chung; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và tham gia xây dựng các luật lệ, quy định mới trong các lĩnh vực liên quan và Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực trong lĩnh vực vận tải biển cũng như trên các vấn đề liên quan như cứu hộ, cứu nạn, an ninh, an toàn hàng hải.

Phó Thủ tướng cho biết Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, là nhà đầu tư số một, đồng thời là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của Việt Nam.

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009, quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh đều được tăng cường và có bước phát triển mới. Giữa hai nước đã hình thành nhiều cơ chế giao lưu thường xuyên giữa Chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp trên mọi cấp độ.

Hai nước cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhau trong các khuôn khổ hợp tác khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanamar-Việt Nam (CLMV).

Có thể nói, mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản được xây dựng trên một nền tảng vững chắc là sự hiểu biết, tin cậy và hữu nghị, đáp ứng đúng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Năm 2013 được chọn là Năm Hữu nghị Việt-Nhật và cũng là năm đánh dấu chặng đường 40 năm hợp tác và hữu nghị ASEAN-Nhật Bản. Quy mô và mức độ sâu rộng trong quan hệ hợp tác Việt-Nhật cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của hợp tác, liên kết và hội nhập. Chỉ có thông qua hợp tác và hội nhập mới có thể tìm ra giải pháp cho các thách thức trước mắt, cùng nhau xây dựng một khu vực Châu Á ổn định, thịnh vượng và phát triển.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng thảo luận các chủ đề: “Căng thẳng gia tăng ở Đông Á-Thách thức đối với an ninh khu vực”, “Triển vọng của Trung Quốc và chính quyền Tập Cận Bình” và “Thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN-Hướng tới năm 2015 và xa hơn nữa.”

Các diễn giả đã tập trung vào những diễn biến gần đây ở khu vực trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh, đặc biệt tình trạng căng thẳng gần đây ở bán đảo Triều Tiên cũng như vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nêu các diễn biến gần đây ở khu vực, nhấn mạnh vai trò, tác động của các mối quan hệ giữa các nước lớn như Mỹ-Trung, Mỹ-Nhật đối với sự ổn định và phát triển của khu vực.

Ông cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần xây dựng lòng tin lẫn nhau, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc cần tự kiềm chế để giải quyết tình trạng đối lập. Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa một số nước khu vực, ông nhấn mạnh rằng vấn đề này cần được giải quyết một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Philippineses Albert F. Del Rosario nhấn mạnh đòi hỏi về đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông là quá mức và vi phạm Công ước về Luật biển Liên hợp quốc (UNCLOS).

Ông Rosario cho biết Philippines bác bỏ việc coi chiến tranh là một phương tiện của chính sách quốc gia và chấp nhận các nguyên tắc chung được thừa nhận của luật pháp quốc tế, tuân thủ chính sách hòa bình, bình đẳng, pháp lý, tự do, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước.

Theo ông, phản ứng của Philippines đối với diễn biến tình hình ở biển Đông nhằm tìm kiếm một giải pháp lâu dài dựa trên luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulit nhấn mạnh tiềm năng hợp tác của các nước trong khu vực với các nước ngoài khu vực để thúc đẩy hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác bình đẳng cùng có lợi, ủng hộ các hình thức hợp tác mới và các bên cần ứng xử một cách có trách nhiệm.

Các diễn giả cũng đề cập đến mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 và vai trò của ASEAN trong các diễn đàn hợp tác của khu vực.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông đã cảm nhận được sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực trong chuyến thăm 3 nước ASEAN sau khi ông nhậm chức.

Năm nay, Nhật Bản và ASEAN kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai bên đã chứng kiến những bước tiến ổn định, hướng đến sự phồn vinh.

Ông Kishida đánh giá cao sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của châu Á, trong đó có các nước ASEAN, cho rằng môi trường an ninh ở khu vực Mekong đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại những vấn đề nóng ở khu vực Đông Á, như vấn đề phát triển tên lửa, hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và tranh chấp biển đảo.

Ông cho biết trước những biến động tình hình ở châu Á, Thủ tướng Abe đã công bố 5 nguyên tắc ngoại giao với ASEAN nhằm tăng cường quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và giao lưu con người vì hòa bình, phồn vinh của khu vực.

Cùng ngày, bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt Toshihiro Nikai và Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Akihiko Tanaka.

Trong các cuộc gặp, hai bên đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược song phương./.

PV/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục