WTO hạ mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu

WTO thông báo kinh tế ảm đạm kéo dài ở EU là lý do khiến tổ chức này giảm mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay xuống 3,3%.
Ngày 10/4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông báo kinh tế ảm đạm kéo dài ở châu Âu là lý do khiến tổ chức này giảm mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay xuống 3,3% so với con số 4,5% đưa ra trước đó.

Đây là lần thứ hai WTO hạ mức dự báo tăng trưởng thương mại thế giới trong năm nay, từ mức 5,6% đưa ra lần đầu tiên.

WTO cho rằng sự phục hồi kinh tế ở Mỹ trong năm 2013 sẽ chỉ bù đắp được phần nào sự yếu kém trong Liên minh châu Âu (EU), khu vực được dự báo có mức tăng trưởng bằng "không", hoặc thậm chí còn tăng trưởng âm nhẹ trong năm nay.

Trung Quốc sẽ tiếp tục "qua mặt" các nền kinh tế hàng đầu khác nhờ hạn chế được đà sụt giảm, song xuất khẩu vẫn bị kìm hãm bởi lực cầu yếu ở châu Âu. Vì lẽ đó, năm nay hầu như chắc chắn sẽ lặp lại kịch bản năm 2012, với thương mại và sản lượng kinh tế đều tăng trưởng chậm.

Theo WTO, thương mại toàn cầu năm 2012 chỉ tăng 2,0% so với năm trước đó, trong khi tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2011 đạt 5,2%.

Điều này phản ánh bức tranh kinh tế ảm đạm ở các nước phát triển vì ước tính ban đầu của WTO cho năm 2012 là 3,7%. Sự sụt giảm thương mại nhanh chóng trong năm 2012 có căn nguyên là tăng trưởng chậm ở các nến kinh tế phát triển và những bất trắc xảy ra thường xuyên liên quan tương lai của đồng tiền chung châu Âu (đồng euro). Trong khi đó, sản lượng kinh tế thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao ở các nước phát triển lại hạn chế nhập khẩu và xuất khẩu ở cả các nền kinh tế phát triển lẫn đang phát triển.

WTO nhấn mạnh trong năm 2012, xuất khẩu hàng hóa thế giới chỉ tăng 0,2% lên 18,3 nghìn tỷ USD, do tác động từ việc giá hàng hóa giảm, đặc biệt là càphê, bông, sắt và than. Xuất khẩu dịch vụ thương mại cũng chỉ tăng 2,0% lên 4,3 nghìn tỷ USD.

Cũng trong ngày 10/4, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) dự báo hoạt động kinh tế toàn cầu trong tháng 4 sẽ tăng, đặc biệt ở Mỹ và Nhật Bản, bất chấp sự suy yếu ở Ấn Độ.

Báo cáo hàng tháng về các chỉ số hỗn hợp chủ chốt (CLIs) của OECD cho thấy kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc hơn so với đánh giá trong tháng trước. Tại Khu vực đồng ơrô gồm 17 nước thành viên, đặc biệt là ở Đức, các chỉ số đều có dấu hiệu đi lên. Các nước như Brazil, Anh, Canada và Nga đều có triển vọng duy trì được chiều hướng tăng trưởng hiện tại. Riêng CLI của Ấn Độ báo hiệu chiều hướng đi xuống.

Đánh giá trên của OECD dựa trên số liệu kinh tế của 33 nền kinh tế hàng đầu thế giới và 6 nước khác không thuộc tổ chức này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục