Nên giao tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Đa số các thành viên Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc giao cho tòa án cấp huyện thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Sáng 17/10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tờ trình về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày cho thấy được ban hành đầu tiên từ năm 1989, từng bước được hoàn thiện qua 3 lần sửa đổi, bổ sung và cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm hành chính ở Việt Nam, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính diễn ra rất phức tạp, lại chưa được theo dõi, quản lý thống nhất đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành của pháp luật và hiệu lực quản lý của Nhà nước, ảnh hưởng đến kinh tế, trật tự an toàn xã hội.

Qua hơn 8 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật  Xử lý vi phạm hành chính là rất cần thiết nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trên, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tại Phiên họp chuyên đề của Chính phủ ngày 15/9 vừa qua, dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Chính phủ thảo luận và nhất trí thông qua để trình Quốc hội. Dự thảo Luật gồm 6 phần, 12 chương và 150 điều.

Tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự án luật. Các ý kiến của Thường vụ Quốc hội đã được Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc. Dự thảo luật đã bổ sung hình thức xử phạt buộc chữa bệnh đối với người bán dâm bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục để hạn chế việc lây truyền các bệnh này từ người bán dâm ra cộng đồng.

Để phân biệt mức phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính do các nhân thực hiện với hành vi tội phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự, dự thảo luật bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện phải dưới mức tối thiểu của phạt tiền là hình phạt chính được quy định tại Bộ luật Hình sự đối với các hành vi phạm tội tương ứng.

Tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban, dự thảo luật còn bổ sung sửa đổi khoản 1, điều 67 theo hướng chỉ áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; rút ngắn thời hạn tạm giữ đối với người vi phạm quy chế biên giới vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo từ 72 giờ xuống còn 48 giờ.

Liên quan đến vấn đề giao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hay tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đa số các thành viên Ủy ban nhất trí với việc giao cho tòa án cấp huyện thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Tất cả các ý kiến thành viên Chính phủ cũng đều đồng tình về mặt chủ trương và cho rằng việc chuyển cho Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là hợp lý. Tuy nhiên, nhận thấy đây là vấn đề lớn, cần được cân nhắc thận trọng để vừa thể chế được chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, dự thảo luật vẫn thể hiện cả hai phương án để Quốc hội xem xét.

Các thành viên Ủy ban cùng các nhà khoa học đã cùng trao đổi, phản biện về hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, bỏ việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm, thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, quy định về mức xử phạt tiền…

Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật sẽ cho ý kiến vào các dự án Luật Công đoàn, Luật Biển và Báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm ./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục