Theo dõi nguyệt thực toàn phần dài nhất thập kỷ

Từ đêm 15/6 đến rạng sáng 16/6, hàng triệu người trên thế giới đã được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thập kỷ.
Từ đêm 15/6 đến rạng sáng 16/6, hàng triệu người ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Australia đã được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần hoặc một phần đầu tiên của năm 2011.

Việc bóng tối của Trái Đất bao phủ hoàn toàn Mặt Trăng trong khoảng thời gian kỷ lục 100 phút là một sự kiện đặc biệt của thiên nhiên và là hiện tượng nguyệt thực dài nhất trong 10 năm qua, kể từ tháng 7/2000. Không những thế, hiện tượng nguyệt thực đặc biệt này còn biến Mặt Trăng thành mầu đỏ sẫm, một hiện tượng hiếm khi xảy ra trong tự nhiên.

Các nhà thiên văn học cho rằng việc Mặt Trăng có màu sắc kỳ lạ như vậy hoàn toàn không phải do ảnh hưởng từ tro bụi của núi lửa Puyehue ở Chile như một số giả thuyết đưa ra trước đó.

Nguyệt thực diễn ra từ 17giờ 24 phút đến 23 giờ GMT ngày 15/6. Tại Singapore, hơn 700 người đã tập trung bên ngoài Trung tâm khoa học để theo dõi hiện tượng này. Một vài người say mê hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên đã có mặt trước khi nguyệt thực xuất hiện 4 giờ để tường thuật và ghi lại những hình ảnh độc đáo cho người thân. Tại quốc đảo Philippines, hàng trăm người đã tập trung tại thủ đô Manila trước khi bình minh ló rạng để chờ đợi nguyệt thực.

Hiện tượng tương tự cũng đã xuất hiện tại Pakistan, Ấn Độ, Việt Nam và Australia. Tại Đài thiên văn học Neru ở New Delhi (Ấn Độ), các nhà quản lý còn tổ chức "Ngày hội Mặt Trăng" cùng với kính thiên văn để phục vụ cho những người yêu thiên nhiên.

Trong khi đó tại Afghanistan, người dân đất nước Nam Á này còn cho rằng nguyệt thực là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của thánh Allah, do vậy các nhà thờ đều chật kín tín đồ với cuốn kinh Koran trên tay, cầu nguyện suốt thời gian diễn ra nguyệt thực.

Tại Việt Nam, người ta có thể nhìn thấy nguyệt thực bắt đầu từ lúc 0 giờ 22 phút và thời điểm để quan sát rõ nhất là từ 1 giờ 22 phút khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, bắt đầu giai đoạn nguyệt thực một phần, màu sắc của vùng bóng Trái Đất in trên Mặt Trăng chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần. Sau đó Mặt Trăng ra khỏi vùng tối và màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi Mặt Trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 5 giờ 2 phút và kết thúc nguyệt thực một phần.

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vị trí thẳng hàng với Trái Đất và Mặt Trời, nên bị che khuất sau bóng của Trái Đất. Khác với nhật thực, nguyệt thực kéo dài lâu hơn do bóng của Trái Đất lớn hơn so với Mặt Trăng. Khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối sẽ xuất hiện hiện tượng nguyệt thực một phần. Khi Mặt Trăng đã đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối sẽ có hiện tượng nguyệt thực toàn phần.

Theo dự báo của các nhà thiên văn học, nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ xuất hiện vào ngày 10/12 tới. Trước đó, sẽ có một vài đợt nguyệt thực từng phần vào ngày 1/7 và 25/11. Tuy nhiên, nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ đến tận ngày 13/11/2012.

Theo dõi chùm ảnh về nguyệt thực toàn phần

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục