Giải mã gen trường thọ của các cụ bách niên

Một nghiên cứu mở rộng đối với những người trường thọ có thể giúp chúng ta tìm ra cách thức tiến tới thang điểm 100 trong cuộc đời.
Trong khi tuổi thọ trung bình ở Mỹ là 78 tuổi, người ta rất hiếm khi bắt gặp ai đó sống khỏe mạnh ở tuổi 90, còn các cụ bách niên thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Dường như, mỗi thế hệ về sau lại được tiếp thêm một vài năm trong vòng đời của mình và cuối cùng, với sự hỗ trợ của y học hiện đại, con người sẽ làm chủ được tuổi thọ hơn là mong chờ vào điều ngoại lệ của tạo hóa.

Tuy nhiên, đến nay, công nghệ gen hoàn toàn có thể giúp xác định số phận của bạn sẽ ở quãng nào trong 100 năm ấy. Một nghiên cứu mở rộng đối với những người trường thọ, được đăng trên tạp chí Science số ra tháng Bảy, có thể giúp chúng ta tìm ra cách thức để tiến tới thang điểm 100 trong cuộc đời.

Bằng cách phân tích 150 đặc điểm của gen, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Boston có thể thiết lập một mô hình toán học giúp tính toán vòng đời của con người.

Trong nghiên cứu trên, gen của hơn 1.000 người trường thọ đã được quét và so sánh với những cá thể khác. Kết quả là họ đã xác định những dấu hiệu rõ rệt về gene cho thấy sự khác biệt giữa hai nhóm.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm chứng học thuyết của mình bằng cách so sánh các dấu hiệu đặc trưng này với các cụ bách niên chưa qua kiểm tra và kết quả là họ “đã tính toán chính xác với tỷ lệ 77%.”

Giáo sư Paola Sebastiani thuộc Khoa Sinh vật học thống kê của Đại học cho biết "gen là nền tảng cho sự trường thọ nhưng không phải là thứ duy nhất đóng vai trò quyết định.” Vì thế, có thể có các nhân tố khác như môi trường hoặc đời sống giúp người ta sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Điều đó lý giải vì sao sai số của nghiên cứu này là 23%.

Tại các nước công nghiệp, chỉ một trong 6.000 người đạt tới độ tuổi 100. Phần lớn trong số này vẫn sống khỏe mạnh mà không hề bị khuyết tật hay tàn phế khi họ bước vào độ tuổi 90./.

Cao Phong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục