Phân luồng đầu tư nước ngoài hợp lý đối với khu vực phía Nam

Cục Đầu tư nước ngoài đang phân luồng đầu tư cho các địa phương phía Nam theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đúng thế mạnh của từng địa phương.
(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 14/8, tại thành phố Cần Thơ, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, khu vực phía Nam đóng góp lớn nhất cho nền kinh của cả nước. Việc tổ chức hội nghị giao ban giúp đại diện các địa phương trình bày tiềm năng thế mạnh của từng vùng, kinh nghiệm về công tác đầu tư nước ngoài để Cục Đầu tư nước ngoài có sự phân luồng đầu tư hợp lý.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, cây ăn quả, do đó, các địa phương cần phải xác định rõ thế mạnh, lợi thể của từng loại sản phẩm. Từ đó, Cục Đầu tư nước ngoài có cơ sở giới thiệu, gắn kết với các doanh nghiệp nước ngoài để nghiên cứu, tìm hiểu và có kế hoạch đầu tư.

Cũng theo ông Hoàng, hiện Cục Đầu tư nước ngoài đang phân luồng đầu tư cho các địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đúng thế mạnh của từng địa phương, đảm bảo chất lượng đầu tư. Cục đã và đang tiếp tục cải cách môi trường đầu tư như giảm thời gian, thủ tục đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp trên quan điểm đơn giản, rõ ràng đúng cam kết nhưng vẫn đảm bảo quản lý được doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia báo cáo tóm tắt tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2014, kế hoạch 6 tháng cuối năm; quán triệt và triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết 103 của Chính phủ.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thu hút FDI; hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư theo tinh thần Quyết định 03 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như những chia sẻ kinh nghiệm về thu hút đầu tư FDI của một số địa phương được đề cập tại hội nghị.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến nay, cả nước có trên 16.800 dự án FDI còn hiệu lực với tổng nguồn vốn đăng ký là 242,4 tỷ USD; nguồn vốn thực hiện hơn 118 tỷ USD, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 54,2%, bất động sản là 20,6%, nông lâm, thủy sản là 1,4%...

Các đối tác đứng đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)...

Từ đầu năm đến ngày 20/7, cả nước có 889 dự án FDI được cấp mới với vốn đăng ký là 6,8 tỷ USD, có 300 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng là 2,6 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục