Trùng tu di tích lầu Tứ Phương Vô Sự ở cố đô Huế

Di tích lầu Tứ Phương Vô Sự, thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế, đã được nghiệm thu, bàn giao sử dụng sau 20 tháng trùng tu xây dựng.
Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa tổ chức nghiệm thu và bàn giao sử dụng di tích lầu Tứ Phương Vô Sự, thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế, sau 20 tháng trùng tu xây dựng, kể từ tháng 12/2008 đến nay.

Công trình do Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung thi công, với tổng mức đầu tư là 9,3 tỷ đồng.

Lầu Tứ Phương Vô Sự được xây dựng vào năm 1923, dưới thời vua Khải Định, là một công trình kiến trúc hai tầng với những đường nét kiến trúc hài hòa, giao thoa giữa phong cách Á-Âu, là nơi học tập hàng ngày của các hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối của triều Nguyễn.

Đây là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật, tiêu biểu về kiến trúc được xây dựng dưới thời bấy giờ, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong lịch sử kiến trúc Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20.

Trải qua thời gian, chịu sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, chiến tranh tàn phá, công trình kiến trúc lầu Tứ Phương Vô Sự nói riêng và Bắc Khuyết Đài nói chung bị hư hỏng nặng nề và xuống cấp nghiêm trọng.

Hệ thống tường thành của Bắc Khuyết Đài bị mất ổn định, nguyên nhân chủ yếu do áp lực đất bão hòa nước cùng với tải trọng tăng cường của lầu Tứ Phương Vô Sự làm cho tường bị đẩy trượt ra ngoài, gãy nứt nhiều đoạn. Toàn bộ hệ khung gỗ bị mất hoàn toàn, tường nhà tầng một bị sụp đổ một mảng nghiêm trọng ở phía Bắc, tường nhà tầng hai bị sụp đổ gần hết chỉ còn lại một mảng ở góc Tây Nam, nền nhà bị sụt lún, hư hỏng trầm trọng.

Trong quá trình trùng tu, Phân viện Khoa học Xây dựng miền Trung đã tiến hành nghiên cứu các tư liệu thư tịch, điều tra thám sát khảo cổ học và lập dự án bảo tồn tu bổ di tích này một cách khoa học và bài bản theo đúng Luật Di sản, đúng các công ước quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích./.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục