Kêu gọi công ty Mỹ bồi thường nạn nhân dioxin

Chủ tịch Hội hữu nghị Anh-Việt kêu gọi những người có liên quan thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho nạn nhân dioxin Việt Nam.
Chủ tịch Hội hữu nghị Anh-Việt, ông Len Aldis vừa gửi thư đến các cơ quan và cá nhân Mỹ có liên quan đến việc sản xuất chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam trong những năm chiến tranh, đồng thời kêu gọi các cơ quan cũng như cá nhân có liên quan phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Bức thư của ông Len Aldis được gửi tới Ban giám đốc Công ty hóa chất Monsanto tại Mỹ và ông David F. Snively, Phó Giám đốc điều hành công ty; tới văn phòng Công ty Monsanto ở Cambridge, Anh; văn phòng Monsanto ở Thành phố Hồ Chí Minh và văn phòng đại diện của Công ty Dow Chemical và DuPont ở Việt Nam, nhân dịp 50 năm ngày quân đội Mỹ bắt đầu rải chất độc hóa học xuống chiến trường miền Nam Việt Nam.

Chủ tịch Hội hữu nghị Anh-Việt còn gửi thư đến Thủ tướng Anh David Cameron và lãnh tụ Công đảng Anh Ed Miliband, đề nghị Anh cân nhắc giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, bởi vì Việt Nam vẫn cần nhiều sự ủng hộ quốc tế để tiếp tục giải quyết những hậu quả do chất độc hóa học này gây ra.

Trong thư, ông Aldis nêu rõ ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã bắt đầu rải chất diệt cỏ xuống miền Nam Việt Nam và trong khoảng thời gian 10 năm đã có hơn 80 triệu lít chất độc hóa học được biết với tên gọi chất độc da cam đã được rải xuống mảnh đất này.

Ông Aldis cho biết đã đến Việt Nam nhiều lần, có nhiều cuộc tiếp xúc với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và tận mắt chứng kiến những hậu quả nặng nề của hóa chất độc hại này.

Ông yêu cầu lãnh đạo các công ty hóa chất Mỹ phải trực tiếp gặp gỡ và tiếp xúc với các nạn nhân để thấy rõ hơn nỗi đau đớn mà các nạn nhân phải gánh chịu cũng như hậu quả khủng khiếp, lâu dài và di chứng ảnh hưởng đến nhiều thế hệ do chất độc da cam/dioxin gây ra cho người dân Việt Nam.

Ông cũng nêu rõ rằng chất độc da cam/dioxin không chỉ ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, mà hàng nghìn cựu binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam và con cái họ cũng phải chịu hậu quả của loại hóa chất nguy hiểm này.

Ông Aldis nhấn mạnh ở Việt Nam có gần bốn triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Các nạn nhân ở mọi lứa tuổi và nhiều người không có điều kiện được điều trị ở bệnh viện hoặc trạm xá. Những nạn nhân thương tâm này và cha mẹ họ cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế , đặc biệt là trách nhiệm của các công ty đã sản xuất loại hóa chất nguy hiểm là nguyên nhân gây ra những hậu quả nặng nề, làm hàng nghìn người tàn tật, đau yếu, trong khi các công ty này đã thu được lợi nhuận hàng tỷ USD.

Chủ tịch Hội hữu nghị Anh-Việt bày tỏ hy vọng bức thư của ông sẽ nhận được sự phản hồi tích cực, trong đó các công ty và các cá nhân liên quan đến việc sản xuất chất độc da cam/dioxin không chỉ nhận trách nhiệm về việc đã gây ra những tổn hại to lớn đến con người và môi trường ở Việt Nam, mà còn phải cung cấp tài chính và những hỗ trợ thực tế cho các nạn nhân và gia đình họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục