APEC thiết lập lộ trình an ninh lương thực tới năm 2020

Lãnh đạo kinh tế APEC nhất trí thiết lập một lộ trình an ninh lương thực và cho rằng cần có giải pháp đổi mới để giải quyết vấn đề này.
Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC) diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 21 và các Hội nghị liên quan tại Bali từ 1-8/10/2013 đã nhất trí thiết lập một lộ trình an ninh lương thực, đồng thời cho rằng cần có những giải pháp sáng tạo và đổi mới để giải quyết vấn đề an ninh lương thực.

Phóng viên TTXVN đang có mặt tại Bali cho biết các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nhấn mạnh rằng các nền kinh tế thành viên một mặt phải duy trì mức độ sản xuất để đáp ứng nhu cầu cầu của người dân, song mặt khác phải tiếp tục thúc đẩy quá trình sáng tạo để nâng cao chất lượng thực phẩm, và sẽ là lý tưởng khi chất lượng thực phẩm tỷ lệ thuận với mức độ thịnh vượng.

Một trong những ý tưởng sáng tạo do Indonesia đề xuất và được Hội nghị hoàn toàn nhất trí là “Lộ trình an ninh lương thực tới năm 2020” với chiến lược chung cho cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân để đạt được an ninh lương thực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khu vực tư nhân, nhất là đối với các thành viên của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), sự ủng hộ đối với “Lộ trình an ninh lương thực tới năm 2020” là kết quả chờ đợi đã lâu nay, bởi khu vực tư nhân đã đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy vấn đề an ninh lương thực trong APEC từ năm 1999.

Trong 14 năm qua, nỗ lực thiết lập hợp tác trong an ninh lương thực đã mang lại Hợp tác An toàn Thực phẩm và Mạng lưới Viện Đào tạo quan hệ đối tác, và mặc dù hai cơ chế này đang vận hành tốt, song vẫn cần một lộ trinh cụ thể hơn để đảm bảo an ninh lương thực.

“Lộ trình an ninh lương thực tới năm 2020” bao gồm một chiến lược chung của khu vực công và tư để tăng cường an ninh lương thực ở châu Á-Thái Bình Dương, theo đó chính phủ cùng với khu vực tư nhân trong mỗi nền kinh tế thành viên phải phát triển nông nghiệp và thủy sản bền vững và tạo điều kiện cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong cả hai lĩnh vực này.

Ngoài ra, an ninh lương thực cũng sẽ đạt được thông qua việc nâng cao vai trò của thị trường và thương mại.

Tổng vụ trưởng châu Á,Thái Bình dương và Châu Phi, Bộ Ngoại giao Indonesia Yuri O Thamrin, Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao APEC nói rằng những chiến lược nêu trên sẽ được thực hiện thông qua một Kế hoạch Kinh doanh để xác định định hướngcho một sự hợp tác an ninh lương thực tổng hợp hơn.

Ngoài ra, “Lộ trình an ninh lương thực tới năm 2020” còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nông dân và ngư dân để tăng sản xuất và an ninh lương thực, nhất là các nông dân nữ và các hộ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ.

Ông Thamrin nhấn mạnh rằng xoá đói giảm nghèo cho những nông dân sản xuất quy mô nhỏ và ngư dân là một trong những thách thức khó khăn nhất của APEC, bởi nhóm người này rất dễ rơi vào khủng hoảng kinh tế, nên các biện pháp của Lộ trình này còn nhằm mục đích nâng cao thu nhập và phúc lợi cho họ, mà một trong những biện pháp quan trọng nhất là tích hợp họ vào chuỗi cung ứng thực phẩm./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục