Đông Nam Á - thị trường xuất khẩu tiềm năng của Pháp

Hội thảo "Hướng sang Đông Nam Á" diễn ra tại Paris nhằm giới thiệu cơ hội kinh doanh tại khu vực này với các doanh nghiệp và địa phương Pháp.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 3/4, Cơ quan xúc tiến xuất khẩu của Pháp (Ubifrance) đã phối hợp với Thượng viện Pháp tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề "Hướng sang Đông Nam Á" nhằm giới thiệu với các doanh nghiệp và địa phương của Pháp cơ hội kinh doanh tại thị trường 10 nước trong khu vực.

Phát biểu khai mạc, thượng nghị sỹ Christian Poncelet đã nhấn mạnh Đông Nam Á là thị trường được Bộ Ngoại thương Pháp xác định là ưu tiên phát triển, do có dân số hơn 630 triệu người và trẻ, sức tiêu thụ có xu hướng gia tăng, có nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5-6% ngay cả trong thời kỳ kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, mở cửa hướng ra quốc tế.

Đây cũng là khu vực mà Pháp duy trì mối quan hệ tốt trên hầu hết các lĩnh vực, từ ngoại giao, văn hóa cho đến kinh tế- thương mại. Chủ tịch Thượng viện Pháp Jean-Pierre Bel không tham dự nhưng gửi thư chào mừng.

Bộ Ngoại thương Pháp đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu hướng sang các nền kinh tế mới nổi xoay quan bốn trục chính, bao gồm công nghiệp thực phẩm, y tế, công nghệ mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, phát triển đô thị.

Đây cũng là các chủ đề của bốn cuộc thảo luận bàn tròn giữa trưởng đại diện Ubifrance tại một số nước, trong đó có Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaixia, Philippines, với các đại diện doanh nghiệp xuất khẩu của Pháp sang Đông Nam Á.

Theo ông Frédéric Rossi, giám đốc Ubifrance tại Singapore, trao đổi thương mại của Pháp với khu vực năm 2013 lên tới hơn 7 tỷ euro với mức thặng dư hơn 2 tỷ euro, trong khi bức tranh ngoại thương của nước này chi phối bởi màu xám với thâm hụt hơn 61 tỷ euro.

Singapore là thị trường Pháp đạt thặng dư cao nhất với gần 900 triệu euros, các thị trường khác tương đối cân bằng.

Đại diện Ubifrance tại Singapore cho rằng Đông Nam Á là thị trường rất đa dạng và có tiềm năng tăng trưởng rất cao trong tương lai.

Đối với Việt Nam, ông Rossi nhận xét kinh tế ''đã ra khỏi tình trạng khó khăn'' và chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa nền kinh tế. Đây là những tiền đề để thúc đẩy xuất khẩu của Pháp.

Xuất khẩu của Pháp sang Đông Nam Á trước đây thường tập trung vào các lĩnh vực ''truyền thống'' như công nghiệp hàng không vũ trụ, xe hơi, năng lượng, cơ khí, hàng xa xỉ, tuy nhiên, các ngành hàng được đề cập trong cuộc hội thảo lần này cũng có nhiều triển vọng.

Theo bà Claire Camdessus, giám đốc Ubifrance Thái Lan và Myanmar, xuất khẩu thực phẩm của Pháp sang khu vực lên đến hơn 2 tỷ euro, với mức thặng dư hơn 1 tỷ euro.

Ông Marc Cagnard giám đốc Ubifrance tại Việt Nam cho biết đối với sản phẩm y tế cũng là một lĩnh vực còn nhiều khoảng trống cho xuất khẩu của Pháp.

Ngân sách y tế của các nước trong khu vực đã tăng đều đặn với tốc độ hai con số mấy năm gần đây. Nhập khẩu dược phẩm năm 2011 vào Đông Nam Á đạt khoảng 16,1 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên trên 23 tỷ euro vào năm 2015, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Pháp, nhà cung cấp lớn thứ tư cho thị trường trong lĩnh vực này.

Đối với ngành hàng mỹ phẩm, một thế mạnh của Pháp và là nhà cung cấp lớn thứ hai thế giới cho khu vực, thị trường Đông Nam Á có quy mô tương đương với 80% bốn nước khối BRIC cộng lại.

Nhập khẩu mỹ phẩm của khu vực năm 2012 ước đạt 11,8 tỷ USD và sẽ tăng lên 13,3 tỷ USD vào năm 2015, trong đó nhập khẩu vào thị trường Việt Nam trong cùng kỳ là 184,4 triệu USD và có thể tăng lên 242,5 triệu USD vào năm 2015.

Ngoài phần giới thiệu về tiềm năng của thị trường, hội thảo đã có các cuộc thảo luận bàn trong chuyên đề trao đổi về các phương pháp tiếp cận và củng cố sự hiện diện tại các nước ASEAN, giới thiệu về ba thị trường mới nổi nhiều tiềm năng gồm Lào, Campuchia và Myanmar.

Đại diện của nhiều tập đoàn lớn của Pháp như Bolloré (xây dựng và phát triển đô thị), Armagnacs Castarède (đồ uống), Dassault Sysstèmes (hàng không) đã chia sẻ kinh nghiệm và bài học về thị trường.

Hiện tại, hàng hóa Pháp mới chỉ chiếm 1,5% thị phần Đông Nam Á và đứng thứ hai châu Âu trong xuất khẩu sang nhóm ASEAN-6 (gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaixia, Philippines, Việt Nam), xếp sau Đức nhưng trước Anh, Hà Lanh và Italy.

Theo thượng nghị sỹ Christan Poncelet, thị trường 10 nước ASEAN rộng lớn nhưng mỗi nước có những đặc trưng riêng, do đó Pháp cần có chiến lược linh hoạt, tính đến những khác biệt về luật pháp và trở ngại ở từng nước để tiếp tục nâng cao thị phần.

Chính phủ Pháp đã thực hiện một số biện pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường, như đơn giản hóa thủ tục hải quan và hành chính, bãi bỏ hàng rào kỹ thuật, khuyến khích giới thiệu thị trường và đấu tranh chống hàng giả.

Đây là lần thứ hai Ubifrance kết hợp với Thượng viện Pháp tổ chức hội thảo về xuất khẩu sang Đông Nam Á.

Hiện nay, Quốc hội Pháp, gồm cả Hạ viện và Thượng viện, có bốn nhóm nghị sỹ hữu nghị với Đông Nam Á nói chung, với Indonesia và Đông Timo, với Lào và Campuchia và với Việt Nam.

Thượng nghị sỹ Christan Poncelet hiện là chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục