Doanh nghiệp xuất khẩu bức xúc chuyện "đói vốn"

Ngày 9/7, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp kêu khó trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó thiếu vốn là lý do muôn thủa.
Trong buổi họp giao ban xuất khẩu sáu tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/7, đại diện một số hiệp hội ngành hàng xuất khẩu và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong sáu tháng cuối năm, trong đó tập trung nhiều nhất vào vấn đề vốn.

Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết khó khăn lớn cho sự phát triển của ngành điều Việt Nam là tình trạng thiếu nguyên liệu của các nhà máy chế biến.

Theo dự báo, năm 2010 ngành điều trong nước sẽ đạt tổng sản lượng là 300.000 tấn và hiện lượng điều còn tồn trong dân khoảng 50.000 tấn, trong khi đó, nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến là 600.000 tấn điều nhân.

Như vậy, để có đủ nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, dự kiến các doanh nghiệp sản xuất và chế biến điều trong nước sẽ phải nhập khẩu 300.000 tấn hạt điều khô. Nhưng ngành điều đang vấp phải khó khăn lớn là vốn, do có tới khoảng 80% doanh nghiệp không tiếp cận được với vốn vay ngân hàng.

Dự báo của Vinacas cho thấy từ nay tới cuối năm, giá điều xuất khẩu sẽ tăng 14% và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nếu ngay từ bây giờ có vốn để thu mua điều trong dân và nhập khẩu nguyên liệu.

Đại diện Vinacas khẳng định nếu không có vốn, mục tiêu xuất khẩu điều năm 2010 đạt 1 tỷ USD không dễ đạt được, điều này có nghĩa các doanh nghiệp mất lợi nhuận, hàng trăm nghìn lao động không có việc làm.

Do vậy, Vinacas kiến nghị Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cho các doanh nghiệp chế biến điều vay 1.100 tỷ đồng để mua hết lượng điều còn tồn trong dân, ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần được vay khoảng 5.700 tỷ đồng bằng tiền USD để nhập khẩu 300.000 tấn điều phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Cũng bức xúc vấn đề vốn, ông Nguyễn Công Hoàng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty càphê Việt Nam cho biết hiện các doanh nghiệp càphê trong nước đang chịu áp lực từ nhiều phía, nhất là vấn đề thiếu vốn. Hầu như không doanh nghiệp nào thực sự đủ vốn để kinh doanh, phải bán hàng kỳ hạn (bán hàng trước) để trả vốn ngân hàng.

Ông Hoàng đưa ra một ví dụ, vào giữa tháng Tư khi giá càphê trong nước giảm mạnh, Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành mua tạm trữ 200.000 tấn, tuy nhiên đến giữa tháng Sáu, các doanh nghiệp mới tiếp cận được với vốn ngân hàng, khi đó giá càphê cũng đã tăng cao.

Chính vì vậy, trong đợt mua tạm trữ này (từ 15/4 đến 15/7), các doanh nghiệp chỉ mua được khoảng 7-8% số càphê nguyên liệu như dự kiến. Nếu trong đợt mua tạm trữ vừa rồi, các doanh nghiệp trong nước mua được 200.000 tấn càphê như chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ thắng lợi lớn, khi giá tăng như hiện nay thì có thể lãi tới 200 tỷ đồng.

Ông Hoàng cho rằng, với các mặt hàng nông sản cần có kế hoạch tạm trữ thường xuyên, liên tục và phải chủ động về vốn cho vấn đề này. Chính phủ nên thành lập một ủy ban điều phối quốc gia về vấn đề này để có thể điều hành một cách linh hoạt, đúng thời điểm khi có biến động mạnh về giá các loại hàng hóa nông sản trong nước.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần xem xét lại và cần là bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, không nên để xảy ra tình trạng khi thuận lợi thì sẵn sàng hỗ trợ vốn, nhưng khi khó khăn thì tìm cách né tránh.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) đánh giá trong sáu tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ có những dấu hiệu tốt, hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm, thậm chí là cho năm 2011 và một số khách hàng lớn có đơn hàng kéo dài tới 3-4 năm.

Tuy nhiên, hiện mức độ tăng trưởng doanh nghiệp gỗ và mỹ nghệ trong nước vẫn thấp so với các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Mạnh, ngoài những nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp, hiện chính sách nhà nước về tín dụng, tài chính vẫn quá dàn trải, ít tập trung vào loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi các doanh nghiệp ngành gỗ chủ yếu là loại hình doanh nghiệp này.

Do đặc điểm ngành hàng là nhập khẩu nguyên liệu, vì vậy vấn đề lãi vay khá quan trọng và ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo tính toán của ông Mạnh, nếu lãi vay trên 12% thì coi như doanh nghiệp không có lãi, nhưng hiện lãi suất đang giảm rất chậm, trong khi sáu tháng cuối năm là cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp ngành gỗ. Vì vậy, ông Mạnh kiến nghị nên duy trì lãi vay không quá 10%.

Bên cạnh đó, Nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu về mua sắm thiết bị bởi thời điểm này các thị trường thế giới phục hồi chậm hơn Việt Nam, giá thiết bị rẻ hơn và có nhiều ưu đãi, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất và nâng cấp dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, ông Mạnh nhận định sáu tháng cuối năm sẽ là thời điểm nguyên liệu gỗ tăng chóng mặt, nếu các doanh nghiệp trong nước không có phương án vay vốn mua nguyên liệu tạm trữ thì sẽ mất cơ hội và khó đạt mục tiêu xuất khẩu.

Trước những bức xúc từ phía các doanh nghiệp về tình trạng không đủ ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu chế biến, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối (Bộ Tài chính) cho biết việc làm này nằm trong chính sách để hạn chế nhập siêu, nhưng không phải là “siết” tới mức doanh nghiệp không vay được và “hiện các ngân hàng đang thực hiện việc giảm lãi suất cho vay xuống mức 11% và giữ ổn định tỷ giá ngoại hối.”

Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Bộ Tài chính) cho biết hiện nhu cầu vốn từ phía các doanh nghiệp rất lớn nhưng bản thân các ngân hàng cũng phải chủ động cân đối nguồn vốn vay để điều tiết cho vay hợp lý.

Trong chuyện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thu mua dự trữ càphê, bà Hạnh giải thích bản thân các doanh nghiệp chưa sắp xếp hợp lý và không đưa ra một mức giá thu mua thống nhất, có những doanh nghiệp muốn “tay không bắt giặc” khi vay tới 90 đến 95% giá trị lượng hàng dự trữ, vì vậy các ngân hàng cân nhắc là điều hiển nhiên.

Trong khi đó, đích thân Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đi thực tế tại các vùng trồng càphê để kiểm tra, nhưng gần như lượng càphê đã cạn kiệt, doanh nghiệp chẳng thể thực hiện thu mua.

Kết luận buổi giao ban xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách bộ sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng cung cấp và thẩm định mức độ uy tín từng doanh nghiệp cho các ngân hàng để tránh rủi ro khi quyết định cho vay vốn, đồng thời cũng xác định xem nhu cầu vay có thực hay nhằm mục đích kinh doanh khác...

Bộ Công Thương dự báo trong sáu tháng cuối năm, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu đạt 33,5 tỷ USD (bình quân 5,59 tỷ USD/tháng), dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 66 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2009.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản dự kiến đạt 6,9 tỷ USD, cả năm đạt 13,48 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009 và chiếm tỷ trọng 20,4%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản dự kiến đạt 4,19 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 8,32 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2009 và chiếm tỷ trọng 12,6%.

Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ tăng cao hơn các tháng đầu năm, đạt 22,4 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 44,2 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2009 và chiếm tỷ trọng 67%./.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục