Những người nông dân "vác tù và" vì nguồn nước

Những người nông dân chân lấm tay bùn ở Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) trở thành tuyên truyền viên bảo vệ nguồn nước của quê hương.
Cả đêm thao thức, thế mà mới tinh mơ, ông Hoàng Minh Châu, 60 tuổi (thôn Mai Thượng, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã đến nhà văn hóa của xã. Nơi đây sẽ diễn ra hoạt động nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ nguồn nước – điều chưa từng có trong tiền lệ của xã Mai Đình. Những cảnh báo đầu tiên Mới sáng mà thời tiết cuối hạ gay gắt quá. Quệt giọt mồ hôi lăn dài trên gò má đen sạm, ông Châu ngồi phệt xuống bậc thềm nhà văn hóa. Ông vẫn lẩm nhẩm lời tuyên truyền về tài nguyên nước mà ông đã thuộc làu làu. Ông kể rằng, chỉ mới đây có vài năm, dòng sông Cầu thơ mộng chạy qua xã Mai Đình còn trong xanh. Quanh bờ, những bãi dâu xanh tốt phục vụ cho việc nuôi tằm nhả kén. Dưới nước, người dân tha hồ đánh bắt cá, tôm, lặn ngụp cả ngày… Nhăn cái trán sâu hoắm vết thời gian, ông than, sông Cầu giờ ô nhiễm lắm, ai đó có tắm xong ngứa ngáy toàn thân. Những ngày trái nắng trở trời, nước bốc lên cũng bắt đầu thấy khó chịu. Bệnh ung thư thì chưa ai khẳng định do nguồn nước, nhưng ghẻ lở thì ai cũng đoán ra. Thực tế, xã Mai Đình có khoảng 13.000 dân, sống dọc theo chiều dài hơn 9km của con sông Cầu, nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt là nước giếng khoan. Sát sông là thế, nhưng người dân lâu nay vẫn xây hố xí, cống thoát nước thải sinh hoạt, chăn nuôi ra sông Cầu… Ông Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mai Đình bảo rằng, thời gian trở lại đây, 10 thôn trong xã đã đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước làng văn hóa. Người ta không xây mới theo kiểu “chổng…” vào sông, nhưng còn những hệ thống thoát nước thải cũ thì còn hiện hữu. Tuy nhiên, lời cảnh báo đầu tiên của nguồn nước Mai Đình khi người dân đem nước ngầm đi xét nghiệm. Trong số 10 thôn, phát hiện ra một số giếng khoan của 2 thôn không hợp vệ sinh. Đặc biệt, thấy người trong xã chết vì căn bệnh ung thư ngày càng nhiều hơn, một số người nghi ngờ là do nguồn nước. Sẵn sàng… vác tù và vì nguồn nước Ý thức nâng cao dần, nhưng thực tế để người dân bảo vệ nguồn nước của chính mình một cách có hệ thống thì chưa bao giờ Mai Đình làm được. Thậm chí, nhận thức của người dân còn có nhiều sai lệch về sự vô tận của nguồn nước. Mới đây, nhờ sự trợ giúp của Cục Quản lý Tài nguyên nước (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), do tổ chức Danida  của Đan Mạch tài trợ, xã Mai Đình đã đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn nước “tận gốc.” Ở “chiến dịch” vỏn vẹn trong vòng có 30 ngày này (từ 25/7 đến 25/8/2009), một số cán bộ của xã, thôn được tập huấn kỹ năng truyền thông về tài nguyên nước, họp bàn về nước với vai trò của cộng đồng… Đặc biệt, một hoạt động thu hút được rất nhiều sự tham gia, hưởng ứng của người dân Mai Đình là cuộc thi sáng tác nghệ thuật về “Dòng sông quê em”, thi tìm hiểu kiến thức về tài nguyên nước (bằng các câu hỏi, xây dựng tiểu phẩm hay các tình huống ứng xử.) Chủ tịch xã Quý nói rằng, ông thấy bất ngờ vì sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con. Đội văn nghệ, tuyên truyền viên của các thôn được thành lập chóng vánh. Nhiều nông dân chân lấm tay bùn ngoài đồng quần quật, tối lại về tranh thủ đi tập văn nghệ cùng đội. Những ngày này, toàn Mai Đình như đang chuẩn bị một hội diễn chuyên nghiệp. Lạ hơn nữa, những ca sĩ, diễn viên không chuyên ấy lại chẳng đòi hỏi tiền công. Có được chút hỗ trợ, họ lại mua nước uống, thuê quần áo biểu diễn một buổi là "hết nhẵn." Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, thôn Mai Thượng phấn khởi: “Chúng tôi truyền thông cho người khác hiểu để bảo vệ nguồn nước chính là vì mình. Bởi thế, người nọ bảo người kia, chẳng ai đòi hỏi tiền công.” Ông Châu cười rõ tươi, thêm vào: Cho dù bị nhiều người bảo, rỗi hơi, "vác tù và hàng tổng" thì chúng tôi cũng sẽ vì nguồn nước mà đi biểu diễn không công bất cứ đâu nếu được đón chào. Rời Mai Đình, tôi nhớ mãi tiểu phẩm do bà Thoa viết, về một cuộc tranh luận nảy lửa giữa một ông hái dâu và một cô gái bán rau về dòng nước sông Cầu bị ô nhiễm, phải nhờ sự can thiệp của ông trưởng thôn. Và, là cả những bức tranh hoài niệm về dòng sông thơ mộng hay lột tả sự đang chết dần của con sông của những em học sinh... Tất cả chỉ để chứng minh một điều, nhờ truyền thông, người dân Mai Đình đã ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn nước của chính mình./.
Khẳng định với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch xã  nói, trên đà này, Mai Đình sẽ tiếp tục truyền thông đậm đặc hơn nữa trên các loa phát thanh, những buổi sinh hoạt cộng đồng với nòng cốt là các đội văn nghệ, tuyên truyền hiện có… Ngoài ra, xã cũng sẽ xây dựng những chế tài cụ thể hơn để xử phạt nếu ai vi phạm bảo vệ môi trường.

Còn bà Trần Minh Phượng (Cán bộ Truyền thông và  Đào tạo - Dự án Tăng cường Năng lực, Đánh giá và Quản lý Tài nguyên nước Việt Nam) tin tưởng, điểm sáng Mai Đình sẽ thu hút nhiều địa phương trên dải đất hình chữ S học tập.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục