Mỹ lo ngại vỡ nợ

Mỹ lo ngại trước nguy cơ lần đầu tiên bị vỡ nợ

Trong các cuộc thương lượng ngày 25/7, các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã rất nỗ lực để đi tới sự đồng thuận cuối cùng nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài về việc nâng trần nợ 14.300 tỷ USD của chính phủ trước hạn chót vào ngày 2/8 tới, vốn được gắn với một kế hoạch dài hạn giảm mức thâm hụt ngân sách đang phình to. Tuy nhiên, diễn biến của cuộc thương thảo cho thấy họ dường như vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề này và mối bất đồng đó có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào tình cảnh vỡ nợ.
Giữa lúc dư luận và giới thị trường ngày càng lo ngại về nguy cơ lần đầu tiên nước Mỹ bị vỡ nợ thì các cuộc thương thuyết về việc nâng mức trần nợ giữa các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc, khi hai phe đưa ra các yêu cầu rất khác nhau.

Trong các cuộc thương lượng ngày 25/7, các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã rất nỗ lực để đi tới sự đồng thuận cuối cùng nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài về việc nâng trần nợ 14.300 tỷ USD của chính phủ trước hạn chót vào ngày 2/8 tới, vốn được gắn với một kế hoạch dài hạn giảm mức thâm hụt ngân sách đang phình to.

Tuy nhiên, diễn biến của cuộc thương thảo cho thấy họ dường như vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề này và mối bất đồng đó có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào tình cảnh vỡ nợ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã công bố kế hoạch của các nghị sỹ đảng Cộng hòa, theo đó họ chỉ muốn nâng mức trần nợ thêm 1.000 tỷ USD từ giờ tới cuối năm nay và cho phép tăng ở mức lớn vào năm tới.

Kế hoạch của phe Cộng hòa còn yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật cắt giảm các chương trình trợ cấp, như quỹ bảo hiểm y tế cho người già và những khoản trợ cấp nông nghiệp; yêu cầu cắt giảm 1.200 tỷ USD chi tiêu của các cơ quan chính phủ trong 10 năm tới và thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các nghị sỹ để đề xuất và giám sát việc cắt giảm các chương trình phúc lợi vào cuối tháng 12 tới.

Chủ tịch Boehner cho rằng kế hoạch nói trên vẫn chưa phải là "hoàn hảo," song nó đòi hỏi các mức giảm chi tiêu phải vượt mức nâng trần nợ và không yêu cầu tăng thuế.

Trong khi đó, các Thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ đưa ra kế hoạch, đề nghị nâng mức trần nợ thêm 2.400 tỷ USD và cắt giảm chi tiêu liên bang 2.700 tỷ USD, theo đó hàng trăm chương trình của chính phủ sẽ bị giảm chi tiêu. Tuy nhiên, cả hai bản kế hoạch nói trên đều không đề cập đến việc tăng thuế, một điều kiện cần thiết mà Tổng thống Obama đưa ra cho bất kỳ một kế hoạch nào.

Tổng thống Barack Obama đã khẳng định sẽ phủ quyết mọi kế hoạch nếu nó không nâng mức trần nợ đủ để đảm bảo chính phủ có kinh phí tiếp tục hoạt động và kinh tế Mỹ không rơi vào cảnh vỡ nợ.

Tối 25/7 (26/7 giờ Việt Nam), trong bài diễn văn quan trọng, Tổng thống Obama đã cảnh báo người dân rằng khoản nợ công ngày một lớn có thể gây "thiệt hại nghiêm trọng" tới kinh tế Mỹ nếu không được kiểm soát.

Ông Obama nhấn mạnh: "Nếu chúng ta vẫn đi theo con đường hiện nay, khoản nợ ngày càng lớn của chúng ta có thể dẫn tới tình trạng mất việc làm và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế." Trong khi đó, cùng ngày Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng Mỹ sẽ đối mặt với "cú sốc nặng" nếu không sớm nâng trần nợ.

Trong báo cáo về kinh tế Mỹ, các nhà kinh tế của IMF tuyên bố: "Cần nhanh chóng nâng trần nợ liên bang để tránh một cú sốc nặng cho nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính thế giới." Tuy nhiên, ban giám đốc điều hành IMF kêu gọi các nhà chức trách Mỹ cắt giảm chi tiêu từng bước để tránh bị "đánh tụt hạng tín nhiệm tài chính."./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục