Ai Cập: 520 người chết trong các vụ bạo lực đẫm máu

Con số thương vong trong vụ bạo lực đẫm máu tại Ai Cập tiếp tục tăng chóng mặt với số người thiệt mạng đã lên tới hơn 520 người.
Con số thương vong trong vụ bạo lực đẫm máu ngày 14/8 tại Ai Cập tiếp tục tăng chóng mặt với số người thiệt mạng đã lên tới hơn 520 người.

[Ai Cập: MB tuyên bố sẽ trừng phạt "cuộc đảo chính"]

Phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế nước này Mohammed Fathallah cho biết đã có ít nhất 525 người thiệt mạng và 3.572 người bị thương trong các cuộc đụng độ ngày 14/8 giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.

Riêng ở quảng trường Rabaa Al-Adawiya, nơi cắm trại chính của người biểu tình trong nhiều tuần qua, số người chết là 202 người.

Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, trong số những người thiệt mạng có 43 nhân viên an ninh.

Trong khi đó, tổ chức Anh em Hồi giáo cho rằng số người thiệt mạng trong các vụ trấn áp của cảnh sát lên tới gần 2.000 người. Tuy nhiên, con số này chưa được kiểm chứng.

Tổ chức này cho biết sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc tuần hành mới tại thủ đô Cairo, bắt đầu từ chiều 15/8 và xuất phát từ nhà thờ Al-Iman để phản đối hành động bắn giết của chính quyền.

Tình trạng bất ổn, bạo lực trên khắp cả nước khiến Ban lãnh đạo chính phủ lâm thời Ai Cập buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng với lệnh giới nghiêm được áp dụng hàng ngày từ 19 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau ở thủ đô Cairo và 13 tỉnh thành khác.

Ngoài ra, chính quyền Ai Cập cũng quyết định đóng cửa khẩu biên giới với dải Gaza vì lý do an ninh, làm hàng trăm du khách Palestine bị kẹt ở hai bên cửa khẩu, cổng duy nhất vào lãnh thổ Palestine.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục phản ứng trước tình trạng bạo lực gia tăng ở Ai Cập. Ngày 15/8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về tình hình Ai Cập.

Tổng thống Pháp Francois Hollande triệu Đại sứ Ai Cập tại Paris để trao đổi tình hình và kêu gọi người dân Ai Cập thực hiện mọi biện pháp có thể để tránh đẩy đất nước rơi vào nội chiến.

Bộ Ngoại giao Anh cũng triệu Đại sứ Ai Cập tại London để bày tỏ quan ngại sâu sắc về làn sóng bạo lực, đồng thời kêu gọi chính quyền lâm thời Ai Cập kiềm chế.

Australia và New Zealand cho rằng tình trạng bạo lực ở quốc gia Bắc Phi này là một thảm họa khủng khiếp.

Bộ Ngoại giao Nga khuyến cáo du khách không nên tới Ai Cập vào thời điểm này, còn Trung Quốc hối thúc các bên ở Ai Cập kiềm chế.

Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Bahrain hối thúc các bên ở Ai Cập thực thi hòa giải và đồng thuận dân tộc, đồng thời tiến hành đối thoại để khôi phục vị thế lãnh đạo của Ai Cập trong thế giới Arập và Hồi giáo.

Trước đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki Mun), Mỹ, Nga và Ecuađo cũng đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ các hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Ai Cập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục