Quan điểm trái chiều về cải cách y tế của Obama

Họ đều là bà mẹ có con mắc bệnh nan y, nhưng một người phản đối cải cách y tế của ông Barack Obama, còn người kia ủng hộ cải cách đó.
Họ đều 37 tuổi, đều đã kết hôn và đều là những bà mẹ đang có con bị mắc bệnh nan y, nhưng một người Cộng hòa cực lực phản đối các cải cách y tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, còn người kia là một người Dân chủ ủng hộ các cải cách đó.

Holly Henderson và Robyn Martin là hai đại diện ở những quan điểm đối lập nhau trong cuộc tranh luận về đạo luật chăm sóc y tế đầy đủ, chủ đề chính trong một vụ kiện hiến pháp sẽ được đưa ra trước Tòa án tối cao Mỹ trong tuần sau.

Nhà của Henderson ở Fort Washington treo đầy hình ảnh cậu con trai Paul bốn tuổi, đang bị suy dinh dưỡng và “dị ứng với hầu hết loại thực phẩm có thể nghĩ ra được”. Cậu buộc phải được chăm sóc y tế đặc biệt và liên tục.

Cô Henderson và chồng, Mick, 35 tuổi, một nhân viên nhà nước, có bảo hiểm y tế đầy đủ, nhưng việc điều trị vẫn rất đắt đỏ và họ phải trả thêm 400 USD mỗi tháng cho chi phí thực phẩm tăng thêm.

Nhưng là một người Cộng hòa và theo đạo Thiên Chúa, Henderson từ chối về mặt nguyên tắc điểm mấu chốt trong các cải cách y tế của ông Obama, bảo hiểm y tế bắt buộc cho mọi người Mỹ.

“Người dân Mỹ nói chung đầy lòng trắc ẩn”, cô nói. “Họ có thể giúp đỡ những ai cần… nhưng bạn nên được quyền quyết định nếu bạn muốn giúp đỡ, không phải vì chính quyền nói bạn phải giúp một ai đó.

Ranh giới là rất mong manh… khi chính phủ nói bạn sẽ làm điều này, bạn sẽ làm điều kia, bạn sẽ trả cho sản phẩm này vì chúng tôi nói bạn phải trả cho nó. Liệu các vị còn có thể bảo tôi phải trả tiền cho những gì nữa? Điều đó có thể ngược lại với các giá trị đạo đức của tôi”.

Cô Henderson còn những câu hỏi nữa. Điều gì xảy ra nếu cô không đóng bảo hiểm bắt buộc? Mức phạt sẽ là bao nhiêu? Và nếu cô từ chối đóng phạt, cô có bị đi tù hay không?

Cô cũng muốn chất vấn điều mà cô gọi là “mọi người phải theo cùng một cỡ” trong dự án của ông Obama.

“Làm sao bạn thực sự xác định được liệu con trai tôi có vấn đề về y tế, hoặc nếu ai đó bị ung thư, hoặc có thể là ai đó hoàn toàn khỏe mạnh?

Liệu tôi có nhận được cùng sự chăm sóc như một người khỏe mạnh sẽ nhận được? Liệu điều đó có nghĩa là con trai tôi không nhận được những sự chăm sóc mà nó cần?”

Henderson cũng không hài lòng với việc các định chế tôn giáo hoặc chịu bởi ảnh hưởng bởi tôn giáo, giống như các đơn vị sử dụng lao động khác, phải đóng tiền bảo hiểm cho các nhân viên nếu họ sử dụng biện pháp tránh thai, điều mà nhà thờ ở Mỹ phản đối dữ dội.

“Tôi rất coi trọng sự sống”, cô nói. “Buộc nhà thờ đi ngược lại các giá trị đạo đức của họ thì tôi không thể đồng ý”.

Chỉ cách đó vài km, tại nhà ở Waldorf, Maryland, Robyn Martin đang chăm sóc cho Jax, bảy tháng tuổi.

Jax, có một người anh (em) sinh đôi, mắc một chứng bệnh tim bẩm sinh và cậu đã phải phẫu thuật lớn vài lần.

Đạo luật chăm sóc đầy đủ, do đó, “rất quan trọng với chúng tôi”, theo lời Martin, hiện đang làm việc cho một liên đoàn lao động trong lĩnh vực công và chồng là một nhân viên nhà nước.

Martin là một người ủng hộ đảng Dân chủ của tổng thống, hiện cũng đang nhận bảo hiểm y tế khá đầy đủ, nhưng có hai yếu tố trong các đề nghị cải cách của ông Obama mà cô cho là “trọng yếu”.

Điều đầu tiên là việc hủy bỏ các mức trần chi phí y tế. Ngày đầu tiên của Jax ở bệnh viện tiêu tốn 150.000 USD và do bé phải mất 21 ngày điều trị đặc biệt, “chúng tôi đã có thể vướng phải giới hạn trước lúc nó sáu tháng tuổi”.

“Một điều quan trọng khác với chúng tôi là trước đạo luật này, đứa bé có thể đã có những vấn đề về tim có thể gây hại cho sức khỏe của nó trong tương lai”.

Điều đó có nghĩa là nếu không được chữa trị đầy đủ từ đầu, chi phí y tế với Jax trong tương lai sẽ rất lớn, ngay cả khi cậu bé có được bảo hiểm y tế.

Với Martin “sự yên bình mà đạo luật đem lại là điều thật tuyệt vời”./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục