Du lịch cộng đồng Bắc Hà không theo “vết xe” Sapa

Đi sau Sapa nhưng mô hình du lịch cộng đồng huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có nhiều tiềm năng và được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững.
Du lịch cộng đồng Bắc Hà đang là thử nghiệm mới được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững của tỉnh Lào Cai và giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao tỉnh Lào Cai Trần Hữu Sơn những vấn đề xung quanh việc phát triển du lịch cộng đồng ở Bắc Hà.

Không đi vào “vết xe đổ” Sapa

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch của huyện Bắc Hà trong giai đoạn hiện nay?

Ông Trần Hữu Sơn: Bắc Hà là vùng du lịch mới mở nhưng tiềm năng thì rất dồi dào. Không khác Sapa, Bắc Hà thậm chí còn có những vẻ đẹp nguyên sơ và người dân tộc thiểu số chiếm phần đông.

Cùng với đó là những sản phẩm nghề thủ công nổi tiếng như rượu Bắc Hà, nghề rèn đúc Bắc Hà (của người Mông ở Bản Phố); rất nhiều di tích danh lam thắng cảnh như hang động ở Bắc Hà, Tả Van Chư, khu sinh thái thượng nguồn sông Chảy; hay di tích nhà Hoàng A Tưởng…

Đặc biệt, Bắc Hà có phong trào nuôi ngựa. Trong đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Hà, ngựa gần như là một biểu tượng của người vùng cao. Ở Bắc Hà có thể xem chợ ngựa, đua ngựa, thưởng thức món thắng cố ngựa và về đêm có múa tâm linh ngựa của người Nùng, ở Na Hối.

Đó là những tiềm năng của Bắc Hà. Những tiềm năng này bước đầu đã được đánh thức theo một số hướng cụ thể. Thứ nhất là tạo ra các sự kiện lớn để mọi người thấy rằng chỉ có Bắc Hà mới có, ví dụ như lễ hội mận, lễ hội rượu, đặc biệt là đua ngựa Bắc Hà… Thứ hai là khai thác các tiềm năng này trở thành của người dân, do người dân, cộng đồng làm chủ.

Theo đó, đến Bắc Hà du khách sẽ được thưởng thức các điểm du lịch cộng đồng ở Tả Van Chư. Riêng khu du lịch này vào dịp khai trương năm ngoái đã đón 4800 khách nước ngoài đến dự. Bắc Hà hiện có tốc độ tăng trưởng du khách tới 40%.

Tuy nhiên, cũng cần rút kinh nghiệm của Sapa bị đô thị hóa một phần, Bắc Hà phải làm sao để giữ được bản sắc văn hóa, giữ được cảnh quan đẹp và phát triển mạnh du lịch cộng đồng.

- Vậy thì hướng đi của Bắc Hà sẽ như thế nào để tránh “vết xe đổ” của Sapa, thưa ông?

Ông Trần Hữu Sơn: Để tránh những sai lầm của Sapa trước hết phải ưu tiên người dân. Người dân khi đã tham gia làm du lịch thì họ phải là chủ nhân. Nhiều nước trên thế giới, trong du lịch người dân rất được coi trọng, ở nước ta lại càng cần phải coi trọng hơn chứ không thể chỉ nghĩ đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Có bốn thành phần tham gia làm du lịch là người dân, doanh nghiệp, nhà nước và du khách. Vậy ta cần xác định làm sao để người dân phải được ưu tiên nhất sau đó mới lần lượt đến quyền lợi của du khách-doanh nghiệp-nhà nước.

Người dân có được hưởng lợi thì lúc đó họ mới giữ gìn bản sắc, mới sáng tạo ra nhiều hình thức thu hút khách và góp phần xóa đói giảm nghèo.

- Xin ông nói rõ người dân ở đây sẽ được hưởng lợi những gì?

Ông Trần Hữu Sơn: Ở đây là xây dựng các làng du lịch cộng đồng. Hiện giờ chúng tôi bắt đầu xây dựng được bốn làng du lịch cộng đồng, bước đầu đã cho “thu hoạch” rất khá ở bốn điểm: thôn Bản Phố, xã Bản Phố; thôn Na Lo, xã Tà Chải; thôn Chung Đô, xã Bảo Nhai; thôn Na Hối Tày, Na Hối Nùng của xã Na Hối.

Sắp tới chúng tôi sẽ cho xây dựng một số điểm du lịch cộng đồng ở làng Tà Chải, Thải Giàng Phố.

Đặc biệt, làm sao để mỗi một dân tộc giữ được một làng cổ, để khi du khách cần chiêm ngưỡng văn hóa của dân tộc nào thì chỉ cần đến làng đó để tìm hiểu. Nếu không bảo tồn sẽ rất khó làm du lịch.

Cần quản lý nhà nước ra tay

- Ở Việt Nam, theo ông dùng từ “du lịch cộng đồng”gọi như vậy có chuẩn xác chưa?

Ông Trần Hữu Sơn: Du lịch cộng đồng nghĩa là cả cộng đồng cùng tham gia làm du lịch, trong đó người dân tham gia chính. Như ở bản Dền, Tả Van huyện Sapa lúc đầu người dân tham gia rất tốt nhưng sau đó “nhạt” dần do các doanh nghiệp thấy lợi nhảy vào đầu tư.

Bởi doanh nghiệp sẵn có thế mạnh về vốn nên khi đầu tư lập tức người dân trở thành người làm thuê. Người dân làm thuê như thế sẽ mất quyền lợi.

Chúng tôi đã trình Ủy ban tỉnh đề án trong đó có chính sách để làm sao người dân được quyền vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, giúp họ tự trang bị và được nhà nước tập huấn cách làm du lịch, học tiếng Anh để tự làm du lịch.

Và đặc biệt, có những chế tài thỏa đáng để khi đến làng nào du khách được thưởng thức sản vật của làng đó, nghỉ tại đó để người dân hưởng lợi chứ không mang thức ăn từ địa phương khác tới… Chỉ có như thế mới là du lịch vì cộng đồng.

- Vậy giữa người dân và doanh nghiệp nên có mối quan hệ như thế nào để cùng thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng, thưa ông?

Ông Trần Hữu Sơn: Trong mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp phải có cả nhân tố nhà nước nữa. Vì nếu không doanh nghiệp sẽ chiếm được nhiều lợi ích của người dân.

Người dân không am hiểu luật lại không có vốn nên rất dễ rơi vào hoàn cảnh phải làm thuê cho doanh nghiệp, càng về lâu dài sẽ càng thua thiệt. Nhưng nếu người dân làm chủ, bình đẳng với các doanh nghiệp bằng cách doanh nghiệp có ký hết hợp đồng, đóng cổ phần và sử dụng sản phẩm của người dân thì lúc đó vai trò của người dân sẽ được lên ngôi và được hưởng lợi.

Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì cần sự vào cuộc của vai trò nhà nước, của quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước chính là định hướng, là làm chính sách, là tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người dân. Những nhân tố đó chỉ có nhà nước mới làm được để giúp cho mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp bền vững và phát triển cùng có lợi loại hình du lịch cộng đồng.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

ChiLê ghi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục