Hơn 100.000 người Italy ra đường biểu tình chống mafia

Hơn 100.000 người Italy đã xuống đường biểu tình chống mafia trong dịp kỷniệm Ngày tưởng nhớ các nạn nhân của mafia lần thứ 19.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, hơn 100.000 người đã xuống đường biểu tình chống mafia trong dịp kỷ niệm Ngày tưởng nhớ các nạn nhân của mafia lần thứ 19 ở nước này, tổ chức tại thành phố Latina, ngoại ô thủ đô Rome.

Những người biểu tình là học sinh, sinh viên, giáo viên, cùng nhiều thành phần khác trong xã hội từ nhiều nơi trên đất nước Italy đã tuần hành trên các đường phố của Latina, hô vang các khẩu hiệu chống các tổ chức tội phạm ở nước này và bày tỏ sự đoàn kết với gia đình của rất nhiều nạn nhân đã ngã xuống vì mafia trong nhiều thập kỉ qua.

Những người biểu tình cũng lên tiếng đòi hỏi chính phủ và các cơ quan chống tội phạm Italy phải đưa ra ánh sáng thủ phạm của nhiều vụ giết các nạn nhân vô tội mà mafia đã thực hiện cho đến nay vẫn chưa điều tra xong.

Ngày tưởng nhớ các nạn nhân mafia là một sự kiện lớn được Libera, một tổ chức của những công dân Italy có can đảm và dũng cảm chống mafia, thực hiện từ năm 1995 đến nay, với số thành viên tham gia ngày một lớn và ngày càng có ảnh hưởng lớn đối với xã hội Italy.

Libera, do linh mục Luigi Ciotti đứng đầu, đã đứng lên tổ chức sự kiện này sau khi linh mục Beppe Diana bị mafia giết hại vào tháng 3/1994 ở miền nam Italy. Cha Diana là một trong những linh mục đã lên tiếng tố cáo tội ác của mafia ở giáo xứ của mình.

Trong buổi lễ tiến hành ở Latina, với sự tham gia của Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso, từng là một công tố viên chống mafia nổi tiếng; Bộ trưởng tư pháp Andrea Orlando và Chủ tịch ủy ban chống mafia của Quốc hội Italy Rosy Bindi, người đứng đầu Libera, linh mục Luigi Ciotti, nói với báo chí Italy: ''Mafia luôn tồn tại. Chúng thậm chí đã tham gia mạnh mẽ trong các hoạt động kinh doanh và tài chính hợp pháp. Chúng tôi đến đây để yêu cầu công lí cho những nạn nhân vô tội của mafia, yêu cầu chính phủ phải đồng ý để Ngày tưởng nhớ các nạn nhân mafia như một ngày được công nhận chính thức trong luật để nâng cao nhận thức người dân và tập hợp các lực lượng có lương tri chống mafia ở Italy.''

Những người tuần hành đã xúc động làm lễ mặc niệm những người vô tội bị mafia giết hại, khi gần 900 tên nạn nhân được đọc lên, trong đó có cả những công tố viên nổi tiếng đã tiến hành những cuộc chiến vì công lý chống lại chúng, Giovanni Falcone và Paolo Borsellino, những người bị mafia ám sát vào năm 1992 sau khi đã đưa ra ánh sáng hàng loạt ''bố già.''

Họ được coi là những người đầu tiên thành công trong việc phân tích cấu trúc cũng như nguồn gốc của mafia ở đảo Sicily, miền nam nước này.

Trước đó, hôm 21/3, gia đình của các nạn nhân mafia đã có cuộc tiếp xúc với Giáo hoàng Francis I.

Đích thân Giáo hoàng đã tiến hành một buổi lễ cầu nguyện cho những nạn nhân bị giết hại. Đức thánh cha bày tỏ sự ủng hộ đối với các gia đình người quá cố, đồng thời thông qua các phương tiện truyền thông, gửi thông điệp đến thành viên các băng nhóm mafia.

Ngài nói: ''Các người hãy biết hối hận. Hãy thay đổi cuộc đời mình. Đừng làm những điều xấu xa nữa.''

Những hoạt động tưởng nhớ các nạn nhân mafia cũng diễn ra ở nhiều nơi trên đất Italy, hiện vẫn đang rúng động sau sự kiện ba người, trong đó có một đứa trẻ ba tuổi, bị mafia giết hại trong một cuộc trả thù giữa các băng nhóm tội phạm ở xứ Puglia, miền nam Italy, vào đêm 17/3.

Trước vụ sát hại này, dư luận Italy cũng đã lên án mạnh mẽ hành động giết một bé trai ba tuổi khác trong một vụ phục kích của băng 'Ndranghetta, hệ thống mafia ở xứ Calabria, miền nam Italy.

Cảnh sát nói rằng, hôm 19/1, chú bé Nicola Campolongo đã bị mafia bắn vào đầu cùng với ông nội mình và một người khác rồi thiêu cháy trong xe ôtô, trong một vụ trả thù liên quan đến nợ nần về ma túy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục