Núi lửa Batur thành công viên địa chất toàn cầu

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ đã công nhận khu vực miệng núi lửa Batur của Indonesia là Công viên địa chất toàn cầu.

Sau vùng núi Langkawi ở Malaysia và cao nguyên đá Đồng Văn ở Việt Nam, ngày 4/10, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận khu vực miệng núi lửa Batur của Indonesia là Công viên địa chất toàn cầu.

Núi lửa Batur nằm ở huyện Kintamani trên đảo Bali. Như vậy đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Đông Nam Á.

Quyết định công nhận được UNESCO thông qua tại Hội nghị Công viên địa chất châu Âu lần thứ 11, tổ chức tại Công viên địa chất Auroca của Bồ Đào Nha cuối tháng Chín vừa qua.

Theo ông Achyaruddin, quan chức Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, việc đưa khu vực miệng núi lửa Batur vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO sẽ tác động tích cực tới ngành du lịch Indonesia, đặc biệt là Bali - hòn đảo du lịch vẫn được mệnh danh là “Thiên đường trên hạ giới.”

Quyết định của UNESCO còn mang một ý nghĩa quốc tế đối với di sản địa chất Batur của Indonesia, và sẽ là động lực thúc đẩy phát triển bền vững cho các cộng đồng địa phương sống dựa chủ yếu vào các ngành nghề truyền thống liên quan đến du lịch.

Ông Achyaruddin cho biết cách đây bốn năm, Indonesia đã đề nghị UNESCO công nhận khu vực miệng núi lửa Batur và khu vực núi đá vôi ở Pacitan, Đông Java là Công viên địa chất toàn cầu, song hiện chỉ khu vực miệng núi lửa Batur được đưa vào danh sách di sản.

Indonesia cũng đã hoàn thành hồ sơ và đang đề nghị UNESCO đưa vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu các hồ Toba ở Bắc Sumatra và Merangin ở Jambi, các dãy núi Rinjani ở Tây Nusa Tenggara và Raja Ampat ở Tây Papua, cùng với vùng núi đá vôi Sewu ở Trung Java.

Núi lửa Batur nằm cách thủ phủ Denpasar của tỉnh đảo Bakli 90km về phía Bắc, vẫn đang hoạt động và đã 26 lần phun trào trong giai đoạn 1804-2000./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục