LHQ thúc chú trọng chiến lược an ninh lương thực

LHQ tiếp tục hối thúc các nước thành viên ưu tiên thúc đẩy chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, tăng đầu tư cho nông nghiệp.
Liên hợp quốc tiếp tục hối thúc các nước thành viên ưu tiên thúc đẩy chiến lược đảm bảo an ninh lương thực đồng thời tăng đầu tư cho nông nghiệp để giảm đói nghèo trên toàn cầu.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu ngày 5/3 của Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Ban Ki-moon về an ninh lương thực và dinh dưỡng, ông David Nabarro cho biết một trong những thách thức chính của thế giới đương đại là đảm bảo lương thực để nuôi sống 9 tỷ người vào năm 2050.

Để đáp ứng thách thức này, các nước cần tập trung thực hiện các biện pháp thiết yếu để đáp ứng nhu cầu lương thực khổng lồ này. Tuy nhiên, sứ mệnh này ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn trong những năm gần đây do giá lương thực tăng nhanh và kỷ nguyên giá lương thực rẻ đã qua.

Trong hai năm 2007 và 2008, giá lương thực đã tăng vọt, làm bùng lên khủng hoảng lương thực toàn cầu, đẩy 700 triệu người vào cảnh đói nghèo, kích động bạo lực và bất ổn định ở ít nhất 35 nước trên thế giới.

Kể từ đó, giá lương thực biến động phức tạp do nền kinh tế thế giới không ổn định và nhu cầu lương thực tăng cao trong khi thiếu nguồn cung. Hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất nhỏ trở nên đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa các nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết đến nay Liên hợp quốc hiện vẫn phải ưu tiên các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực ở 22 nước đang khủng hoảng lương thực. Bài học lớn mà cộng đồng quốc tế cần đúc kết là liên tục tăng cường viện trợ nhân đạo không phải là giải pháp dài hạn hiệu quả để giúp các nước nghèo vượt qua khủng hoảng lương thực hoặc mất an ninh lương thực.

Thay vào đó, tài trợ thúc đẩy các chương trình tăng sức bật của nông nghiệp và đầu tư vào các nông dân sản xuất nhỏ mới thực sự là chiến lược hiệu quả. Chiến lược này đã thành công lớn ở Etiopia, Kenya và nhiều nước nghèo ở khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi và châu Á.

Nhóm đặc nhiệm của Liên hợp quốc gồm 20 người đứng đầu 20 cơ quan phát triển của Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược này, đặc biệt chú trọng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và tăng cường sức bật của cộng đồng trước các tác động của biến đổi khí hậu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục