Phá biên giới ngân hàng

ADB: ASEAN cần phá bỏ biên giới cho ngân hàng

ADB khuyến cáo ASEAN phá bỏ các hạn chế và cho phép các ngân hàng hoạt động qua biên giới trong khu vực để hội nhập tài chính.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải loại bỏ các hạn chế và cho phép các ngân hàng hoạt động qua biên giới trong khu vực ASEAN để hội nhập tài chính vào năm 2020.

Báo cáo của ADB về vấn đề nói trên được đưa ra khi ngân hàng trung ương các nước ASEAN nhóm họp tại Brunei ngày 1/4 để thảo luận về một Khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN.

Báo cáo "Con đường đi tới hội nhập tài chính ASEAN" nhận định tự do luân chuyển vốn rất cần thiết cho hội nhập kinh tế và việc cho phép ngân hàng hoạt động qua biên giới sẽ hỗ trợ các nền kinh tế phát triển hơn bằng cách giảm chi phí vốn.

Năm ngoái, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết khởi động Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, một thị trường và cộng đồng kinh tế chung, theo mô hình của Liên minh châu Âu, nhằm chuyển đổi khu vực thành một thị trường tự do với sự luân chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề.

Theo ADB, các nước thành viên ngay lập tức phải giảm dần hầu hết các hạn chế còn tồn tại về hoạt động ngân hàng quy mô lớn như một phần của tự do hóa tài khoản vốn.

Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng cảnh báo về việc ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) trì hoãn hoàn thiện tự do hóa hoạt động ngân hàng nhận tiền gửi qua biên giới.

Khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN cho phép các ngân hàng khối này tham gia và hoạt động tại thị trường ngân hàng ở các nước thành viên khác, loại bỏ phân biệt đối xử đối với các ngân hàng ASEAN hoạt động tại các nước thành viên và tạo ra môi trường ngân hàng thích hợp trong khu vực.

ASEAN nên xác định các ngân hàng trong khu vực đã sẵn sàng thực hiện theo một số yêu cầu về an toàn và hợp nhất vốn, hạn chế rủi ro tài chính lớn, cũng như các yêu cầu về kế toán và minh bạch.

Theo ADB, những ngân hàng ASEAN đáp ứng được tất cả các yêu cầu được nói đến trong nghiên cứu này là các ngân hàng ASEAN tiêu chuẩn và các nước thành viên nên tạo điều kiện cho các ngân hàng tiêu chuẩn tiếp cận thị trường ngân hàng trong nước của mình.

Tuy nhiên, với mong muốn của ADB về sự luân chuyển vốn tự do hơn trong khu vực nhằm cho phép các nước thành viên ASEAN lựa chọn giữa tỷ giá hối đoái ổn định và chính sách tiền tệ độc lập, thì việc duy trì kết hợp chính sách tỷ giá hối đoái ổn định và chính sách tiền tệ độc lập sẽ trở nên ngày càng khó khăn./.

Kim Dung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục