Thời mua bán và xóa sổ

Bóng đá Việt Nam - thời của mua bán và xóa sổ!

Những mùa bóng gần đây, bóng đá Việt liên tục diễn ra các vụ mua bán và xóa sổ đội bóng, đi kèm là sự dửng dưng khó hiểu của VFF.
Có vẻ như Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quá dửng dưng trước nỗi lòng của các cầu thủ sau hàng loạt phi vụ mua bán mà mới đây là xóa sổ đội bóng Thanh Hóa đang chơi ở giải hạng Nhất.

Lãnh đạo VFF khi được hỏi đã dửng dưng tuyên bố, đó là việc của câu lạc bộ miễn là họ đừng vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp, còn việc vi phạm đến đâu thì sẽ xử lý đến đấy.

Nhưng cái “vi phạm” mà họ nhắc đến chỉ là việc bỏ giải, điều ấy đồng nghĩa với việc phá vỡ sự thành công tốt đẹp của ban tổ chức. Nói một cách nào đó thì VFF chỉ chăm chăm bảo vệ sự thành công cho chính mình hơn là tìm cách bảo vệ sự công bằng cho các thành viên còn lại, những câu lạc bộ và cầu thủ.

Trước mùa giải mới, làng bóng đá Việt Nam đang chứng kiến sự tuyệt vọng của các cầu thủ khoác áo Thanh Hóa, khi đội bóng này bị xóa sổ không thương tiếc ở giải hạng Nhất. Và trong hoàn cảnh đó,  cả cầu thủ lẫn cổ động viên xứ Thanh hy vọng VFF sẽ có những quyết định, giải pháp cứu giúp. Nhưng ngược lại, người ta tuyệt nhiên không thấy bất kỳ một điều khoản nào của VFF quy định về nghĩa vụ của các câu lạc bộ khi xóa sổ đội bóng. Một sự mặc nhiên công nhận quyền tùy biến ứng xử của lãnh đạo đội bóng với cầu thủ của mình.

Hiện hơn 20 cầu thủ và thành viên ban huấn luyện đội hạng Nhất, Thanh Hóa đang đứng trước nguy cơ trở thành người vô công rồi nghề chỉ vì kẽ hở của quy chế mà VFF đã ban hành.

Người ta không tìm thấy thời hạn để công bố việc bỏ giải đấu được quy định cụ thể thế nào và khi nào thì được quyền bỏ giải. Tất nhiên càng không thể tìm được những quy định xung quanh việc xóa sổ một đội bóng như các cầu thủ sẽ phải được thông báo trước đó bao lâu và khi nào thì họ được nhận giấy thanh lý hợp đồng để kịp đi tìm đội bóng khác để thi đấu. Tiêu chí của một hội nghề nghiệp là bảo vệ người lao động cũng đã không được VFF đáp ứng một cách đầy đủ.

Người ta đang tự hỏi, VFF với rất nhiều tiến sỹ và tất nhiên họ cũng có ngân khố thật dồi dào tiền bạc thì vì sao đến giờ vẫn chưa thể có được một quy chế chuyên nghiệp cho chặt chẽ bởi nếu họ không làm được, không tự tư duy được thì cũng có thể học hỏi từ các liên đoàn bạn hoặc chí ít là thuê người soạn thảo văn bản.

Mua bán và xóa sổ đội bóng liên tục trong những mùa bóng gần đây ở nền bóng đá Việt Nam đang tạo nên một hiệu ứng xấu. Bóng đá Việt Nam đang bộc lộ sự thiếu ổn định trong cả quản lý và đầu tư. Đương nhiên việc mua bán và xóa sổ cũng làm bóng đá Việt Nam mất đi sự hào hứng và đam mê từ chính các cổ động viên, thành phần mà Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) khuyến cáo là quan trọng nhất với bóng đá chuyên nghiệp.

Sân Thống Nhất ngày càng vắng khán giả và mới đây là sự kêu gọi tẩy chay của các cổ động viên Thanh Hóa được đáp ứng nhiệt tình trên các diễn đàn. Ngày càng nhiều các vụ mua bán và xóa sổ đội bóng đã chỉ ra sự bất lực trong cách quản lý và điều hành nền bóng đá của VFF. Luôn có cảm giác VFF chạy sau và tìm cách chống đỡ các sự cố hơn là định hướng cho các câu lạc bộ phát triển theo đúng lộ trình của mình.

Thế nhưng điều đau nhất và nghiêm trọng nhất đằng sau những vụ xóa sổ hay mua bán đội bóng từ tỉnh này sang tỉnh khác đó chính là việc đồng tiền đang chi phối mọi thứ và có thể làm mọi thứ, kể cả việc biến một nơi không bóng đá bỗng dưng có đội bóng chuyên nghiệp.

Có cảm giác số đông người hâm mộ chân chính, những người coi bóng đá như một cách để giải trí lành mạnh và coi đó như một phần của việc tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn đã bị những nhà quản lý coi thường. Tất nhiên, việc bỏ mặc cho các cầu thủ luôn phải đối đầu với những hàng rào pháp lý do chính các câu lạc bộ dựng lên có lợi cho mình như việc quy định: “câu lạc bộ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần đến bù cho cầu thủ nếu giải tán câu lạc bộ” càng khiến cho thấy sự vô tâm của VFF đậm nét hơn bao giờ hết.

Một loạt các câu hỏi được đặt ra. Bao giờ thì VFF mới mạnh tay và có những quy định nghiêm ngặt với việc chuyển giao hay xóa sổ đội bóng? Lý nào VFF không dám giúp cầu thủ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình chỉ vì họ “nhỏ” hơn câu lạc bộ?

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục