Trường tư bên "bờ vực"

Khủng hoảng trường ngoài công lập chờ giải cứu

Sáng mai, ngày 5/3/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các trường ngoài công lập để cùng tìm lối thoát cho hệ thống trường này.

Không tuyển được người học, nguy cơ phải đóng cửa ngành, đóng cửa trường, thậm chí phải bán trường để trả nợ đã hiển hiện, hàng loạt trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập đang đứng trước "bờ vực" và rốt ráo tìm lối thoát.


Nợ nần vì “đói” sinh viên

Không giống như hệ thống trường công lập được rót vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn sống gần như duy nhất của các trường ngoài công lập là học phí từ sinh viên. Vì thế, không tuyển được người học đồng nghĩa với việc trường sẽ lâm vào tình cảnh đói kém, nợ nần.

Mới đây, trường Trung cấp Trường Sơn (ở Đắk Lắk) đã phải đăng thông báo bán trường để lấy tiền….trả nợ. Theo ông Nguyễn Viết Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường, do nhiều năm trường không thể tuyển đủ người học, giá mặt bằng thuê đất xây trường quá cao, nợ ngân hàng ngày càng lớn nên trường không "đủ sức" để tiếp tục duy trì.

Trước đó, cuối năm 2012, trường Đại học Văn Hiến Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải thương thảo để chuyển đổi nhà đầu tư nhằm cứu trường thoát khỏi nguy cơ phải bán với giá... bèo.

Tình cảnh của hai trường trên đang có nguy cơ trở thành bức tranh ảm đạm chung của rất nhiều cơ sở đào tạo khác khi mùa tuyển sinh 2012, hàng loạt trường ngoài công lập tiếp tục rơi vào cảnh ế ẩm. Trường Cao đẳng Kỹ Thuật công nghiệp Quảng Ngãi tuyển được 0,64% chỉ tiêu; con số này của trường Đại học Công nghệ Đông Á (Đà Nẵng) có khá khẩm hơn, ở mức 5,2%; Đại học Chu Văn An (Hưng Yên) đạt 15,5% chỉ tiêu… Cá biệt, trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) không tuyển được thí sinh nào. Đầu tư cơ sở vật chất hoàng tráng, thuê giáo sư nước ngoài về dạy và cấp học bổng trọn gói từ ăn, ở, học phí cho toàn bộ sinh viên trong năm nhất nhưng Đại học Tân tạo (TP. Hồ Chí Minh) cũng chỉ “gom” được 30 thí sinh. Ngay những trường lâu năm như Đại học Dân lập Hải Phòng cũng không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo.

“Nếu tình hình cứ như hiện nay thì trường ngoài công lập sẽ ‘chết’, ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập buồn bã nói.

Cầu cứu Thủ tướng


Việc tuyển sinh khó khăn của các trường ngoài công lập đã diễn ra nhiều năm nay và năm nào Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo các giải pháp để có thể tăng nguồn tuyển như hạ điểm sàn, đề nghị được mở lớp dự bị đại học, được xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông....

Tuy nhiên, những kiến nghị trên không được chấp thuận, vì theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc các trường không tuyển được sinh viên là do chất lượng đào tạo không đảm bảo nên không thu hút người học.

Cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là các chính sách liên quan chưa hợp lý trong khi "kêu" Bộ không "thấu", ngày 17/1/2013, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã gửi văn bản kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ về nguy cơ tan rã của hệ thống trường này.

Văn bản đề nghị ba vấn đề cấp bách. Thứ nhất, đề nghị Bộ Giáo dục thực hiện ngay Luật Giáo dục đại học, trong đó có Điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Thứ hai, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học ngoài công lập, tổ chức nghiên cứu những bài học thành công về phát triển giáo dục đại học ngoài công lập của nước ngoài để vận dụng sáng tạo.

Thứ ba, Hiệp hội xin được gặp và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng về một số nội dung khẩn cấp khác liên quan đến vấn đề tồn tại, phát triển hay tan rã của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập. Mục đích trước mắt là giải cứu hệ thống giáo dục ngoài công lập khỏi nguy cơ tan rã, sau là nhằm phát triển mạnh hệ thống này, đồng thời thúc đẩy toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ làm việc trực tiếp với đề nghị của Hiệp hội, có trách nhiệm thống nhất để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, báo cáo trước ngày 15/3.

“Tinh thần chung là Bộ sẵn sàng lắng nghe, đối thoại và xử lý các kiến nghị của Hiệp hội theo các quy định chung,” ông Ga nói./.

Dự kiến, sáng mai, ngày 5/3/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có buổi làm việc với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập để cùng bàn thảo về các vấn đề Hiệp hội còn thắc mắc và kiến nghị.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục