Lùi Thông tư 02: Nợ xấu, không có nghĩa là "nợ chết"

Chỉ còn ba tuần nữa, ngày 1/6, là tới thời điểm áp dụng Thông tư 02 về việc phân loại lại nợ của các tổ chức tín dụng. Khẳng định đây là bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, từng bước tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, song các chuyên gia trong lĩnh vực này lại cho rằng vẫn nên lùi thời gian thực hiện.
Chỉ còn 3 tuần nữa là tới thời điểm áp dụng Thông tư 02, ngày 1/6, về việc phân loại lại nợ của các tổ chức tín dụng.

Khẳng định đây là bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, từng bước tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, song các chuyên gia trong lĩnh vực này lại cho rằng vẫn nên lùi thời gian thực hiện.

"Gương soi" nợ xấu

Ông Cao Sĩ kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ông là người rất ủng hộ việc triển khai Thông tư 02 bởi nó vừa mang tính "thời sự" và vừa có ý nghĩa lâu dài.

"Chúng ta đang chuẩn bị cơ cấu lại ngân hàng, muốn cơ cấu phải đánh giá đúng thực trạng. Muốn hay không muốn thì các ngân hàng cũng phải phấn đấu theo hướng an toàn, bền vững, có chất lượng cao, rút ngắn khoảng cách với khu vực và thế giới," ông Kiêm nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng Thông tư 02 là "một cuộc cách mạng" trong ngành ngân hàng vì việc phân loại nợ, định nghĩa nợ, phân loại theo nhóm... tiến tới gần các chuẩn mực quốc tế giúp cơ cấu lại nợ toàn bộ quá hạn, nợ nghi ngờ. Với Ngân hàng Nhà nước, đây là một chuyển biến trong chính sách và quản lý tín dụng.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra cơ quan thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Con số nợ xấu của các tổ chức tín dụng báo cáo hiện rơi vào khoảng 4% trên tổng dư nợ cho thấy việc phân loại nợ vẫn còn những bất hợp lý nhất định, từ tiêu chí, triển khai, cả cơ chế thực thi… dẫn tới con số vênh nhau. "Nếu đúng là 4% thì không tới mức khó khăn thế này. Do vậy, nợ xấu hiện nay là vấn đề lớn, gây khó khăn về thanh khoản, cản trở cấp vốn cho nền kinh tế," ông Nghĩa thừa nhận.

Chính vì vậy, Thông tư 02-dự kiến có hiệu lực từ 1/6 đưa ra các quy định và tiêu chí phân loại nợ sát thực tế hơn, tiệm cận gần hơn tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

Phạm vi phân loại nợ được mở rộng, kể cả trái phiếu cũng phân loại nợ, các khoản ủy thác sẽ phải phân loại… (có 3 tài sản mở rộng hơn so với  Quyết định 493). Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng phải thường xuyên thông tin từ Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Trung ương để quản lý tín dụng. Trong quá trình phân loại nợ các tổ chức tín dụng phải gửi thông tin về CIC.

"Đây là một điều răn đe các tổ chức tín dụng nếu cố tình làm sai sẽ phải trả giá bằng việc trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn. Quy định đưa ra giúp các tổ chức tín dụng thực hiện việc cấp tín dụng một cách lành mạnh. Nếu họ cố tình làm sai sẽ phải trả giá," ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng cho rằng, việc triển khai Thông tư này cần cân nhắc trên bình diện "sức khỏe" của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay.  

Là một người làm trong ngành ngân hàng lâu năm, lại từng nắm giữ vị trí thống đốc, băn khoăn này của ông Kiêm không phải là không có cơ sở.

Theo ông Kiêm, việc phân loại nợ và đảm bảo các tiêu chí an toàn, phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế và doanh nghiệp. Mà nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đang có những yếu tố tụt lại, suy giảm, các khó khăn hiện tại chưa có điểm dừng.

"Tôi rất hoang mang và suy nghĩ khi Thông tư 02 ban hành và trong tình hình hiện nay triển khai thì lại càng khó khăn. Các doanh nghiệp vốn đã khó tiếp cận ngân hàng rồi, mà khó vì không đủ tiêu chuẩn vay (nợ xấu nhiều, đầu ra không có…) là chủ yếu. Nếu phân loại thẳng thừng thì nợ xấu tăng lên rất nhanh và điều đó cũng có nghĩa doanh nghiệp lại càng không thể tiếp cận được tới nguồn vốn vay," ông Kiêm lo lắng.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng thừa nhận Thông tư 02 nếu triển khai sẽ siết chặt các điều kiện, nợ xấu có thể nhiều hơn và phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. "Chúng ta đang khó nên nếu cứ nhăm nhăm theo chuẩn mực quốc tế thì không hợp lý. Theo tôi tạm thời dừng lại chưa áp dụng 02 là cách gỡ khó cho các ngân hàng," ông Ánh nói.

Cần phải nhìn nhận là trước đó, ông Ánh chính là người đã đưa ra nhận định rằng Đề án Tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đang được tiến hành khá chậm và đây chính là những việc phải làm của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013 này. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng phải thừa nhận nếu áp dụng ngay việc phân loại nợ theo các tiêu chí mới sẽ không những làm khó cho các ngân hàng trong điều kiện hiện nay bởi chi phí vốn sẽ tăng cao, đẩy lãi suất cho vay tăng cao..., mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng là doanh nghiệp, người đi vay trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Điều này, theo ông Ánh, có khả năng "đe dọa" đến cả nền kinh tế.

["Lãi suất cho vay vẫn có thể giảm tiếp từ 2-3%/năm"]

Chánh thanh tra Nghĩa cũng nhấn mạnh, Thông qua thông tư 02 đi vào triển khai sẽ lột tả một cách chính xác hơn, hợp lý hơn chất lượng tín dụng, và phát hiện rủi ro sớm hơn... để có giải pháp tái cơ cấu, xử lý nhằm phát triển hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh và bền vững trong tương lai. Thế nhưng, qua tiếp xúc của đoàn công tác thống đốc tại các địa phương, một số doanh nghiệp có ý kiến việc áp dụng Thông tư 02 có thể cản trở việc tiếp cận vốn của họ.

Đừng để nợ xấu thành "nợ chết"

Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, ông Nghiêm Xuân Thành cho hay tại các cuộc tiếp xúc giữa ngành ngân hàng ở các địa phương, đại bộ phận đoanh nghiệp đều cho rằng nên lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 để nhằm tháo gỡ khó khăn vốn dĩ đang rất bức bách của doanh nghiệp. Bản thân các ngân hàng cũng nhìn nhận đây là thực tế.

Là định chế tài chính lớn nhất hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng lo lắng cho các khách hàng của họ, khi mà Thông tư 02 được áp dụng vào ngày 1/6 tới đây.

"Với lượng khách hàng phần lớn là nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh tại nông thôn, chúng tôi tiên lượng có khoảng hơn 30% trong số này sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do các yêu cầu chặt chẽ từ 02," ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết.

Cùng với đó, ông Bảo cũng cho rằng việc áp dụng thông tư trong thời điểm hiện nay cũng sẽ làm nợ xấu "dềnh lên," ngân hàng phải trích dự phòng rủi rao cao hơn, làm tăng chi phí vốn... khiến họ phải điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Và như vậy, vô hình chung lại đi ngược lại yêu cầu phải cắt giảm lãi suất. "Các yếu tố để giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay tuy đã xuất hiện (lạm phát giảm, thanh khoản được cải thiện), nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể khiến tình hình xấu đi như giá nhiên liệu, phí y tế..., cộng thêm áo dụng 02 thì 'cửa' cho doanh nghiệp sẽ khép lại," ông Bảo phân tích.

Trong khi đó, ông Trần Lục Lang-Phó Tổng giám đốc BIDV cũng cho hay, ngân hàng ông "không ngại" 02, nhưng nếu triển khai thì các doanh nghiệp sẽ là đối tượng khó khăn nhất, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. "Nếu trong bối cảnh khó khăn hiện nay mà lại siết quy định thì rất khó cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Về ngân hàng, tất nhiên cũng bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp khó khăn. Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay chúng ta đang thực hiện nghị quyết 13 và 02 của Chính phủ, nên có điều chỉnh lộ trình hợp lý trong việc thực hiện Thông tư 02," ông Lang đề nghị.

Mạnh mẽ hơn, ông Đào Hảo-Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng nhấn mạnh rằng, không nên hiểu nợ xấu có nghĩa là "nợ chết", doanh nghiệp "chết." "Khi chúng tôi đi thực tế trao đổi tiếp xúc với doanh nghiệp, bức xúc của họ rất mạnh mẽ. Chỉ cần chuyển sang nợ xấu một khách hàng cũng khiến đình lại các trường hợp khác, không biết có nên cho vay không. Vì đã mang tiếng nợ xấu thì còn ai cho vay nữa? Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản, sắt thép, xây dựng, bất động sản lại đang rất khó khăn trong hoạt động của mình...," ông Hảo chia sẻ.

Thế nhưng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lại đặt câu hỏi, nếu hoãn thời gian áp dụng Thông tư 02, liệu có phải chỉ là một hình thức tiếp tục "nuôi ảo tưởng"? Bởi theo chuyên gia này, hiện đã có nhiều doanh nghiệp khó khăn, chết lâm sàng. "Chúng ta cần xem đây là cuộc giải phẫu ghê gớm nhất, lớn nhất từ đó sẽ xử lý bệnh tốt nhất. Câu chuyện của các doanh nhiệp ai cũng nói cần lộ trình, nhưng lộ trình đó là gì? Những doanh nghiệp không trả được nợ rồi thì ngân hàng có thể nuôi được nó sống trở lại không, có đủ tiền để bơm nữa không? Phải biết bệnh của nó là gì có phương án xử lý phù hợp, chứ đưa ra một giấy chứng nhận sức khỏe rồi không biết bệnh là gì, cứ bơm tiền cho nó… thì việc lùi lại chỉ là hoãn binh thôi. Cái tôi muốn nói là trích lập dự phòng, phân loại nợ cho chính xác, từ đó SBV và các ngân hàng thương mại cùng nhau xây dựng phương án thực tế. còn hơn chúng ta nhắm mắt đi trên một con đường mà không biết sắp rơi vào hố," vị chuyên gia này thẳng thắn.

Mặt khác, xét về góc độ ngân hàng, ông Hiếu cũng đưa ra nhận định: Một số ngân hàng hiện tại nợ xấu công bố là 3-4%, nhưng nếu thực hiện thông tư này, vào cuối năm nay nợ xấu của một số ngân hàng sẽ tăng lên 10-30%, thậm chí 40%. Với những ngân hàng như thế rất là khốn khó, bởi nếu nợ xấu chỉ 20% thì đã ăn vào vốn chủ sở hữu ít nhất một nửa rồi, chưa kể năm nay làm không có lời, lại còn ăn luôn vào vốn tự có thì quá rủi ro.

Dẫn chứng, ông Hiếu cho hay ở Mỹ mỗi ngân hàng tự phân loại nợ theo tiêu chí riêng của họ. Nhưng thị trường Mỹ thông thoáng, báo cáo tài chính minh bạch, ngân hàng làm ăn chuyên nghiệp, có kỹ năng thẩm định chất lượng nợ... Trong kho đó, hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn quá non trẻ nên việc quy định phân loại nợ dựa trên các thông tin của CIC-trung tâm cung cấp dữ liệu nợ, để từ đó phân loại nợ theo Thông tư 02 là rất chặt chẽ. Đây cũng là biện pháp lâu dài để xử lý nợ xấu.

Thừa nhận những "lo ngại" của ông Hiếu, nhưng tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng-Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Lienviet Post Bank lại cho rằng nhận định đó tuy đúng nhưng chưa "trúng". "Rõ ràng chúng ta đang hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, nhưng phải dựa trên hoàn cảnh và thời điểm cụ thể để tính toán lộ trình phù hợp. Nợ xấu không có nghĩa là doanh nghiệp chết. Nhiều khi chỉ cần gia hạn 3 ngày là khoản nợ của doanh nghiệp đã biến thành nợ xấu... Chúng ta đang ốm yếu mà chặt chẽ thì sẽ chết, " ông Hưởng ví von.

Đồng tình, ông Phạm Quang Thắng-Phó Tổng giám đốc Techcombank cũng lập luận, nội dung thông tư 02 định hướng tiêu chí phân loại nợ tốt nên bản thân các tổ chức tín dụng cũng ủng hộ, bởi ngân hàng cũng muốn biết thông tin rõ ràng minh bạch mỗi khi cho vay. Nhưng nếu thực hiện ngay lúc này thì quả là khó khăn với không chỉ doanh nghiệp, mà còn cả nền kinh tế.

Dẫn chứng, ông Thắng chỉ ra: Trước 2011-2012, chúng ta kiểm soát lạm phát, giảm đầu tư công, có những hoạt động làm chậm thanh toán… nhiều khi có nhiều khoản mục không bắt nguồn từ vận hành nội tại của doanh nghiệp hay ngân hàng, mà từ điều kiện vĩ mô. Nếu chúng ta không giãn thời gian để doanh nghiệp có dòng tiền trang trải thì doanh nghiệp ngay lập tức khó khăn. Hay như các chương trình vừa qua cho vay trữ gạo, hoạt động xuất khẩu bên ngoài biến động, nếu không gia hạn để các doanh nghiệp tiếp tục mua gạo của nông dân thì nông dân gặp khó trước, vì doanh nghiệp có thể dừng mua gạo của nông dân...

"Tất cả các doanh nghiệp gần như đang chết, nhưng họ chỉ cần một phương án kinh doanh thôi. Chúng tôi biết doanh nghiệp nào có thể cứu, doanh nghiệp nào không. Khi doanh nghiệp có nhiều phương án kinh doanh, nếu một phương án khó, nhưng với năng lực hiện có họ có thể khai thác phương án mới. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy một phương án khó mà chuyển họ thành nợ xấu thì họ làm sao vay nợ được nữa?" ông Thắng cũng nêu câu hỏi.

Vì vậy, theo hầu hết giới chuyên gia và đại diện các ngân hàng, việc tạm lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 trong điều kiện kinh tế hiện nay sẽ là quyết dịnh không ngoan. Họ cho rằng từ từ không có nghĩa là không làm, mà thông qua các dự báo và tiêu chí để các ngân hàng tự điều chỉnh, vừa đáp ứng yêu cầu "nới ra" cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn, qua đó xử lý nợ xấu, bước sang thời điểm tương đối 'sạch sẽ hơn' thì sẽ áp dụng.

"Nếu muốn với tới một cái đèn trên cao, quá cao so với chiều cao chúng ta, ta phải kê ghế đứng lên, chứ không thể nhảy lên với nó được," ông Kiêm hóm hỉnh./.

Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục