Bộ Y tế quyết tâm “xốc” lại hệ thống tiêm chủng

Bộ Y tế quyết tâm “xốc” lại toàn hệ thống tiêm chủng từ cơ sở vật chất đến nhân lực nhằm hạn chế thấp nhất những sự cố đáng tiếc.

Sau 5 tháng tạm ngưng để phân tích làm sáng rõ một số ca tai biến nặng và tử vong sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem, từ tháng 10, vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hib sẽ được tiêm trở lại.

Qua một loạt những sự cố liên quan đến vắcxin vừa qua và cùng với việc cho lưu hành trở lại vắcxin Quinvaxem, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Văn Bình khẳng định đã lường trước các sự cố có thể vẫn xảy ra đồng thời sẽ “xốc” lại toàn bộ hệ thống tiêm chủng để hạn chế thấp nhất những sự cố đáng tiếc.

[Đồng loạt tiêm lại vắcxin Quinvaxem trong tháng 10]

Nâng chất lượng tiêm chủng

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ mới sinh ra. Trong một năm đầu, mỗi trẻ tiêm ít nhất 5 mũi tiêm, như vậy trong một năm sẽ có ít nhất 7,5 triệu mũi tiêm được thực hiện hàng năm. Ông Hiển đánh giá đây là một con số không hề nhỏ, vì vậy trong thực hành tiêm chủng có thể có một số sai sót ở mức cho phép.

Giáo sư Hiển dẫn chứng, từ năm 2006 đến tháng 7/2013, mỗi năm xảy ra từ 10-36 trường hợp phản ứng sau tiêm nặng và tử vong sau tiêm vắcxin vì nhiều lý do khác nhau (phản ứng nặng là phản ứng đe dọa tính mạng, phải nhập viện nhưng qua khỏi). Những năm qua, tỷ lệ tử vong nhiều nhất là năm 2007 với 21 trường hợp.

Từ đầu năm đến tháng 7/2013, trên toàn quốc đã ghi nhận 22 trường hợp phản ứng nặng liên quan đến vắcxin, trong đó đã có 13 trường hợp tử vong.

Đề cập đến những trường hợp phản ứng nặng trên, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải, những thống kê của ngành y tế cho thấy, ở Việt Nam, 60% các ca tai biến xảy ra sau tiêm vắcxin là do các nguyên nhân: Trùng hợp với 1 bệnh lý bẩm sinh của trẻ, sốc phản vệ của cơ thể trẻ trước một chất lạ và hiện tượng đột tử. Có khoảng 40% ca tai biến không rõ nguyên nhân, do thiếu thông tin để kết luận nhưng chưa có một ca nào có bằng chứng là từ chất lượng vắcxin.

"Đặc biệt, qua kinh nghiệm điều tra về các ca phản ứng nặng sau khi tiêm vắcxin như từ năm 2007 liên quan chủ yếu đến vắcxin viêm gan B sơ sinh; năm 2010, 2011, 2012 các ca phản ứng nặng liên quan chủ yếu đến Quinvaxem và năm 2013 liên quan chủ yếu đến vắcxin viêm gan B, kết quả cho thấy chưa có ca tử vong nào có nguyên nhân do vắcxin. Bởi bản chất của vắcxin rất tốt, an toàn và được kiểm định chặt chẽ từ khi thử nghiệm lâm sàng, đến khi cấp phép xuất xưởng hay việc kiểm định định kỳ,” ông Hiển cho hay.

Theo giáo sư Hiển, hiện nay còn tới 40% ca tai biến không rõ nguyên nhân, ngay cả khi việc khám sàng lọc được thực hiện tốt, vẫn có những bệnh lý như bệnh tim bẩm sinh rất khó phát hiện. Chính vì còn tỷ lệ không nhỏ sự cố như vậy vẫn có thể xảy ra và chưa được làm rõ nên người dân vẫn nghi ngại khi đưa con em đi tiêm phòng và cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng nhiều nơi có tâm lý lo ngại.

Để giảm thiểu những nguy cơ xảy ra sau tiêm, thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết Bộ Y tế đã thực hiện việc củng cố lại hệ thống tiêm chủng, từ đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiêm chủng đến Hội đồng đánh giá tai biến vắcxin, cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng củng cố lại Hội đồng đánh giá tai biến sau khi tiêm vắcxin tại các địa phương thông qua các lớp tập huấn nâng cao khả năng thu thập thông tin, bằng chứng, phân tích nguyên nhân tai biến.

Giáo sư Hiển phân tích, trong trường hợp nếu có sự cố xảy ra, hội đồng đánh giá có thể vào cuộc tìm ra nguyên nhân nhanh và chính xác nhất đồng thời công bố cho người dân. Việc cung cấp thông tin càng rõ ràng, minh bạch, người dân mới có thể tin tưởng và đưa con em đi tiêm phòng đầy đủ, đúng thời điểm. Bởi việc chậm trễ hoặc không xác định chính xác nguyên nhân tử vong sau khi tiêm vắcxin đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội.

Nhân viên y tế khám sàng lọc sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Siết "vượt rào" tại điểm tiêm chủng

Một thay đổi lớn nhất đang được Bộ Y tế triển khai trong thời gian này là việc “siết” lại chặt chẽ số lượng trẻ đến tiêm chủng trong một buổi tiêm tại mỗi điểm tiêm.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định việc giới hạn số lượng không quá 50 trẻ trong một buổi tiêm tại một điểm là một việc làm rất khó khăn trong bối cảnh hiện tại. Bởi Bộ Y tế đã nhận được một số văn bản của các Sở Y tế nói rằng khó thực hiện tiêm 50 trẻ/buổi/điểm tiêm, do trước kia nếu việc tiêm chủng chỉ diễn ra trong một ngày thì nay phải kéo dài thêm vài ngày. Vì vậy, sẽ diễn ra tình trạng thiếu cán bộ tiêm chủng.

Vị Cục trưởng Cục Y tế dự phòng dẫn chứng, vừa qua ông đã trực tiếp đi kiểm tra tại tỉnh Thái Nguyên và thấy một điểm tiêm chủng có đến 200 trẻ tiêm/buổi, với tình trạng đông đúc, ồn ào, trẻ khóc, cha mẹ lo dỗ con thì không thể nghe được hết các hướng dẫn.

Về vấn đề này, ông Bình nêu rõ: “Dù là việc làm khó khăn nhưng dứt khoát các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện để đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật trong công tác tiêm chủng. Bởi chỉ có việc hạn chế số trẻ được tiêm trong một buổi như vậy mới có thể tránh sự lộn xộn, ồn ào, khi đó cán bộ y tế có nhiều thời gian để hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc con trước và sau tiêm, tổ chức tiêm cho tốt.”

Qua công tác kiểm tra thực tế trong một tháng gần đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết đã có những điểm tiêm mà huyện chỉ cấp cho tối đa 50 liều vắc xin/buổi để tránh vượt rào. Việc quy định số lượng trẻ tiêm trong một buổi này sẽ tạo cho các điểm tiêm chủng những khó khăn trong công tác bố trí nhân lực tham gia tiêm chủng, vì vậy ông Bình lưu ý các cơ sở tiêm chủng có thể phải kéo dài tới vài buổi, thay vì 1 buổi như trước hay việc tăng thêm các điểm tiêm chủng để phục vụ nhân dân.

Nhận định về công tác tiêm chủng trong thời gian tới, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương  Nguyễn Trần Hiển bày tỏ: “Chúng tôi cũng rất lo lắng trước việc xảy ra các sự cố sau tiêm. Nguyên nhân là do hiện nay việc khám sàng lọc phát hiện các trường hợp chống chỉ định do có bệnh bẩm sinh là rất khó khăn. Vì vậy, công tác khám sàng lọc trước tiêm được đặc biệt chú trọng. Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương sẽ tăng cường bác sỹ tuyến tỉnh, huyện về hỗ trợ trong những ngày tiêm chủng tại xã, phường.”

Để công tác tiêm chủng an toàn, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra hơn trước. Tại các điểm diễn ra tiêm chủng, đến ngày tiêm các tỉnh sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra sẽ thanh tra các điểm tiêm và việc tổ chức quy trình tiêm chủng để người dân yên tâm.

Để việc theo dõi trẻ sau khi tiêm chủng được chính xác và hiệu quả, ông Hiển khuyến cáo các bậc cha mẹ cần hợp tác với nhân viên y tế bằng cách thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng của trẻ trước và sau tiêm để kịp thời phát hiện các tình huống chống chỉ định hoặc tạm thời chưa tiêm. Phụ huynh cũng cần theo dõi cũng cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ sau khi tiêm, nếu thấy trẻ sốt cao, khóc thét, bỏ bú… nên đưa đến các cơ sở y tế sớm./.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục