Mỹ tìm lời giải bài toán giảm thâm hụt ngân sách

Một năm trước, con đường thoát khỏi khủng hoảng kinh tế Mỹ có vẻ sáng sủa. Trước hết, Mỹ chấp nhận chạy đua với tình trạng thâm hụt ngân sách cao để bù đắp cho nhu cầu tiêu thụ cá nhân sụt giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu. Sau đó, khi nền kinh tế phục hồi, Mỹ sẽ chuyển hướng sang giảm thâm hụt, nhằm ngăn chặn các thị trường trái phiếu rối loạn do lãi suất tăng và kìm hãm đà phục hồi còn mong manh.
Một năm trước, con đường thoát khỏi khủng hoảng kinh tế Mỹ có vẻ sáng sủa. Trước hết, Mỹ chấp nhận chạy đua với tình trạng thâm hụt ngân sách cao để bù đắp cho nhu cầu tiêu thụ cá nhân sụt giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Sau đó, khi nền kinh tế phục hồi, Mỹ sẽ chuyển hướng sang giảm thâm hụt, nhằm ngăn chặn các thị trường trái phiếu rối loạn do lãi suất tăng và kìm hãm đà phục hồi còn mong manh.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã không lãng phí thời gian thực thi chiến lược này. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Obama đã ký thông qua gói kích thích kinh tế trong 2 năm trị giá 787 tỷ USD, mà Nhà Trắng ước tính sẽ "bảo vệ hoặc tạo thêm" khoảng 3,5 triệu việc làm.

Với gói kích thích nói trên, Chính phủ Mỹ ước tính tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ ở mức đỉnh 8%. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 10% trong năm 2009 và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong hầu hết cả năm 2010.

Bức tranh u ám này đã đặt ra những thách thức không nhỏ với chính quyền Obama. Ngay khi ông Obama bắt đầu chuyển trọng tâm vào kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách, ông lại phải đối mặt với một thị trường lao động yếu kém hơn nhiều so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/09.

Bên cạnh đó, suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế tài chính của quốc gia này. Thâm hụt ngân sách năm 2010 dự kiến sẽ ở mức 10,6% GDP, tăng so với mức 9,9% năm 2009. Thâm hụt trong giai đoạn năm 2010-2020 dự kiến sẽ tăng lên trên 10.000 tỷ USD.

Vì vậy, nhiệm vụ của Tổng thống Obama là sẽ phải hoạch định một chiến lược giảm thâm hụt ngân sách và điều chỉnh chính sách nội địa, với 2 mục tiêu hoàn toàn trái ngược nhau là duy trì hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế yếu ớt, trong khi phải tạo dựng một khuôn khổ ngân sách ổn định.

Ông Obama đã thực hiện điều đầu tiên bằng việc bổ sung thêm gói kích thích cho năm nay và năm 2011, đồng thời đưa thâm hụt ngân sách xuống mục tiêu tương ứng 10,6% và 8,3%. Tuy nhiên, ông Obama đã thất bại trong việc đáp ứng mục tiêu ổn định trong trung hạn.

Tiếp tục kích thích kinh tế có thể là điều cần thiết, bởi lẽ gói kích thích năm 2009 chỉ được xây dựng quanh "kịch bản suy thoái" ít nghiêm trọng hơn những gì người Mỹ thực sự phải đón nhận. Trong ngắn hạn, nguy cơ chủ chốt đối với kinh tế Mỹ vẫn là sự chuyển hướng quá nhanh chính sách kích thích kinh tế của chính phủ.

Tổng thống Obama muốn triển khai một gói kích thích rộng rãi hướng tới tạo việc làm cho người lao động. 404 tỷ USD đã được dự kiến chi từ nay tới cuối năm 2010, cộng với ngân sách bổ sung 98 tỷ USD. Mở rộng chính sách hiện tại, trong đó có gia tăng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và giúp đỡ những người không có bảo hiểm y tế khi họ mất việc làm chiếm phần lớn số này.

Chính phủ cũng dự thảo một chương trình tín dụng thuế trị giá 33 tỷ USD cho người tuyển dụng lao động, cung cấp 5.000 USD nếu họ thuê thêm mỗi công nhân mới, và bù đắp chi phí thuế lương cho các công ty tăng giờ lao động.

Ngân sách của chính phủ được "kéo giãn" trong nhiều chính sách nói trên tới năm 2011, làm tăng thêm 147 tỷ USD vào mức thâm hụt trong năm nay. Gia tăng chi tiêu cho các biện pháp tạo việc làm tạm thời trong năm 2011 sẽ đem lại nhiều ý nghĩa, khi ảnh hưởng của liệu pháp kích thích sẽ phai nhạt dần và thị trường lao động vẫn yếu ớt.

Tuy nhiên, đến năm 2012, nguy cơ thâm hụt ngân sách sẽ lớn hơn. Thâm hụt hàng năm sẽ ở mức trên 5% GDP và nợ công sẽ vượt 70% GDP. Do đó, tăng lãi suất có thể trở thành nguy cơ đe dọa tiến trình phục hồi.

Bỏ qua những tác động tiêu cực, chi ngân sách sẽ cung cấp một lực đẩy cần thiết cho thị trường lao động, với chi phí vừa phải trong bức tranh ngân sách ngắn hạn. Tuy nhiên, kế hoạch này của ông Obama khó có thể được Quốc hội Mỹ thông qua, đặc biệt khi Đảng Dân chủ đang dần đánh mất lợi thế trước Đảng Cộng hòa.

Trong tương lai, viễn cảnh ngân sách ảm đạm hơn rất nhiều. Thách thức của ông Obama trong ngân sách năm 2011 là rõ ràng, bắt đầu từ việc hướng tới bình ổn thâm hụt ngân sách trong trung hạn và "sửa chữa" ngân sách dài hạn.

Để làm được điều này, ông Obama hy vọng sẽ tạo đà từ tăng trưởng kinh tế và lợi ích từ chương trình cải cách hệ thống y tế. Do đó, chính phủ sẽ không ngần ngại chi 150 tỷ USD trong 10 năm tới cho kế hoạch cải tổ y tế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngại rằng liệu những khoản tiết kiệm thu được từ chiến lược cải cách hệ thống y tế có được hiện thực hóa hay không, bởi lẽ ngay cả khi tất cả những dự tính khả quan nhất xảy ra, số tiền thu được trong một năm từ chương trình cải cách y tế cũng chỉ bằng khoảng 1,5% tổng thâm hụt giai đoạn năm 2010-2020, tức là chỉ như "muối bỏ bể."

Đề xuất "đóng băng" chi tiêu các hoạt động phi quân sự trong 3 năm của Tổng thống Obama có thể cắt giảm 250 tỷ USD. Bên cạnh đó, mục tiêu của Tổng thống Obama sẽ giảm thâm hụt trong giai đoạn năm 2010-2020 xuống chỉ còn trên 2.000 tỷ USD, chủ yếu thông qua giảm chi tiêu cho các hoạt động quân sự tại nước ngoài và đề xuất thay đổi hệ thống thuế.

Điều đáng lo ngại là rất nhiều thay đổi thuế được khuyến cáo có thể không đem lại nhiều ý nghĩa. Đề xuất thu "phí trách nhiệm" các ngân hàng có thể là giải pháp hiệu quả, song các danh mục khác, trong đó có cải cách hệ thống thuế quốc tế và hủy bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đã không được Quốc hội Mỹ "bật đèn xanh."

Nếu Quốc hội Mỹ tiếp tục do dự đối với một số điều khoản thuế, thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục phình to. Để tạo ra sự khác biệt, ông Obama sẽ thành lập một một ủy ban giám sát thâm hụt ngân sách, chịu trách nhiệm đưa ra những khuyến cáo để ổn định ngân sách trong dài hạn.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ trước đó cũng đã không thông qua đề xuất thành lập một ủy ban lưỡng đảng về ngân sách. Nhìn chung, chính phủ Mỹ vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế yếu ớt, chỉ khi các thị trường tin rằng nước Mỹ cuối cùng sẽ hoàn thành bổn phận và trách nhiệm của mình.

Điều đáng nói là trong dự thảo ngân sách của mình, Tổng thống Obama đã không đưa ra bất kỳ cam kết nào để tái khẳng định điều này./.

Việt Khoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục