Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản xóa sổ bệnh dại

Theo số liệu thống kê, các ca bệnh dại trên người có chiều hướng tăng rõ rệt, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nâng cao nhận thức của người dân địa phương, đặc biệt là bà con các dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi phía Bắc về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; công tác quản lý và tiêm vắcxin với đàn vật nuôi (chủ yếu là đàn chó); thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêm phòng vắcxin bệnh dại cho người... là những biện pháp nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản xóa sổ bệnh dại.

Các biện pháp này được các đại biểu thảo luận tại Hội liên ngành tăng cường phòng chống bệnh dại tại 10 tỉnh trọng điểm miền Bắc do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 24/5 tại tỉnh Phú Thọ.

Trước thực trạng bệnh dại đang có nguy cơ bùng phát cao tại Việt Nam, đặc biệt tại 10 tỉnh trọng điểm là Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên và Nghệ An, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đã chia sẻ một số kinh nghiệm hay trong xử lý bệnh dại của các nước trên thế giới.

Đại diện WHO cũng khuyến cáo nên xử lý bệnh dại từ gốc, thực hiện nghiêm việc tiêm vắcxin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo; tuyên truyền bằng nhiều hình thức hơn nữa về bệnh dại tới người dân...

Tại hội nghị, đại biểu tỉnh Sơn La cũng cho hay năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động phòng chống dịch dại, trong đó hỗ trợ miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết tháng 1/2013, tỉnh đã tiêm miễn phí cho hơn 1.000 người. Ngoài các biện pháp tuyên truyền, tăng cường giám sát, đáp ứng đủ nguồn vắcxin... trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng và thực hiện chương trình tháng hành động về phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định để đạt được mục tiêu đến năm 2020 thanh toán hoàn toàn bệnh dại, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp; tăng cường và mở rộng các “điểm tiêm vắcxin” ở các tỉnh trọng điểm miền núi; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại.

Thêm vào đó, cần triển khai các giải pháp đồng bộ giữa hai ngành y tế và nông nghiệp, trong đó mấu chốt của việc giảm tỷ lệ bệnh dại, tiến tới thanh toán bệnh dại là việc tiêm phòng vắcxin cho chó và vắcxin phòng dại cho người... Bộ Y tế sẽ có báo cáo trình Chính phủ về việc hỗ trợ giá vắcxin cho người dân tại các tỉnh trọng điểm.

Thứ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh trọng điểm đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dại để hạn chế tối đa thương vong do bệnh dại gây ra.

Theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương từ năm 2007 đến nay, các ca bệnh dại trên người có chiều hướng tăng rõ rệt, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Số người tử vong do bệnh dại luôn ở mức 100 ca/năm. Trong số 571 ca tử vong trên cả nước thì 72% số ca xảy ra tại miền Bắc, trong đó trọng điểm tại 10 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên và Nghệ An. Tổng số ca tử vong của 10 tỉnh này chiếm 57% của cả nước.

Riêng năm 2012, cả nước có 98 ca tử vong do bệnh dại. Khu vực miền núi phía Bắc có 10/28 tỉnh có người chết do bệnh dại.

Trong 5 tháng đầu năm 2013, cả nước có 24 người tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh. Các ca bệnh này vẫn tập trung ở 9 tỉnh phía Bắc, trong đó 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Hòa Bình có số lượng người mắc dại cao nhất./.

Vũ Bắc (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục