Hỗ trợ lao động ngoại tỉnh hòa nhập cộng đồng

Người lao động nhập cư là lực lượng dễ bị tổn thương nhất trong quá trình hội nhập đô thị nên TP.HCM đã có nhiều hoạt động giúp họ hòa nhập.
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có hơn 2 triệu người nhập cư; trong đó trung bình mỗi năm có hơn 200.000 người nhập cư vào sinh sống và làm việc.

Đây là lực lượng dễ bị tổn thương nhất trong quá trình hội nhập đô thị vì vậy trong nhiều năm trở lại đây Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hỗ trợ nhằm giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

Khó chồng khó

Theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội Dân số và Phát triển Việt Nam, ước tính người lao động ngoại tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp tới 30% GDP của thành phố. Thế nhưng, những lao động ngoại tỉnh này thường gặp phải rất nhiều khó khăn liên quan đến hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú, chỗ ăn ở, sinh hoạt, học hành của con cái.

Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mức lương thu nhập bình quân của lao động ngoại tỉnh không cao. Chẳng hạn như trong những xí nghiệp da giày, dệt may, thu nhập bình quân từ 1,7 triệu đến 2,3 triệu/tháng; trong đó chi tiêu ăn uống sinh hoạt, tiền thuê nhà chiếm gần 2/3, vì vậy phần tích lũy không được bao nhiêu.

Đó là đối với người độc thân, còn đối với lao động vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, kết hôn, có con thì đó là vấn đề rất nan giải.

Một người làm trong ngành dệt may có một đứa con nhỏ, khi con 4-5 tháng tuổi phải gửi để đi làm nhưng nhà trẻ chỉ nhận trẻ từ 6 tháng nên họ phải gửi ngoài, sẽ mất một số tiền lớn. Khi con lớn, đi học lớp một, thì trường nhận bán trú với con số rất nhỏ; trong khi công nhân ngoại tỉnh vào thành phố làm việc thường làm 8 đến 12 giờ/ngày nên cũng khó đưa đón con.

Liên đoàn lao động đã kiến nghị với thành phố nên xây dựng những nhà trẻ bán trú cho con em công nhân để họ an tâm đi làm. Vấn đề nan giải hiện nay là việc đăng ký tạm trú của người lao động nhập cư, vì đa số những đối tượng này đều không quan tâm đến việc đăng ký tạm trú hoặc do nhiều chủ nhà trọ sợ phải đóng thuế nên không đăng ký tạm trú.

Chính vì vậy, người lao động ngoại tỉnh bị mất rất nhiều quyền lợi và chịu nhiều thiệt thòi hơn so với người lao động sở tại, đặc biệt là vấn đề học hành của con cái, vay vốn hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thị Hoa, nhập cư sống tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức cho biết, đi làm xa nhà, không biết mấy thủ tục giấy tờ hộ khẩu nên tôi không đi đăng ký tạm trú, đến khi cho con đi học thì mới biết tôi không có KT3 nên con tôi sẽ không được nhập học.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (CEP) cho biết, vì công nhân và người lao động nhập cư không có hộ khẩu tạm trú nên việc tiếp cận vỗn hỗ trợ họ cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nhu cầu vay vốn trong công nhân viên chức, lao động là rất lớn.

Theo dự tính thì 5 năm tới, quỹ cần hỗ trợ 100 tỉ đồng vốn vay ưu đãi để phát vay cho 28 nghìn lượt công nhân viên chức, lao động nghèo trên địa bàn thành phố.

Cần hỗ trợ pháp lý

Đa phần lao động nhập cư vào Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ nông thôn và họ là những người nghèo, có trình độ văn hóa thấp, gần 60% lao động nhập cư trong các khu chế xuất-khu công nghiệp mới chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở và trong số lao động nhập cư thì lao động nữ chiếm gần 60%. Họ đến các thành phố lớn với mục đích duy nhất là có việc làm để nuôi sống bản thân và nuôi gia đình.

Vì thiếu hiểu biết về pháp luật đã dẫn người lao động nhập cư đến vi phạm kỉ luật lao động, xung đột trong quan hệ lao động. Ngoài ra, họ lại luôn bị đe dọa mất việc làm hoặc bị kéo dài thời gian làm việc, làm thêm giờ mà thu nhập thấp nên họ dễ rơi vào trạng thái cam chịu hoặc không biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Do đa phần là nữ, lại trẻ nên họ dễ trở thành mục tiêu tấn công của các tệ nạn xã hội.

Bà Đinh Thị Yến Ngọc, chuyên viên tư vấn - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để người lao động hiểu biết về pháp luật nói chung và luật lao động nói riêng, hiện trung tâm đã và đang thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là những nơi có đông lao động là người nhập cư, tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, tuyên truyền phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật.

Từ đó, giúp người lao động nhập cư nâng cao hiểu biết pháp luật để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; đồng thời có ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

Ngoài ra, trung tâm còn cử luật sư-cộng tác viên tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những lao động nhập cư thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong các vụ án lao động mà họ bị sa thải, bị cho nghỉ việc không được hưởng các chế độ chính sách, bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo an sinh xã hội, thành phố cũng đã huy động mọi nguồn lực xã hội để giảm bớt khó khăn cho công nhân.../.

Báo Tin tức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục