Tình trạng nhiễm bệnh, rủi ro tử vong sinh sản cao

Mỗi năm trên thế giới có 358.000 phụ nữ tử vong, khoảng từ 10-15 triệu phụ nữ gánh bệnh tật do các nguyên nhân liên quan đến sinh sản.
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế và tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo nhân Ngày dân số thế giới (11/7) nhằm kêu gọi hơn nữa các nước trong việc thúc đẩy tiến độ đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Ngày dân số thế giới năm nay đã được Quỹ dân số Liên Hợp Quốc phát động trên toàn cầu với chủ đề “Tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, mặc dù đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng, nhưng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản chênh lệch giữa các vùng miền

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh còn có sự khác biệt giữa các vùng miền do khả năng tiếp cận công nghệ, kiến thức còn hạn chế đặc biệt ở các vùng sâu, xa, hẻo lánh.

Tình trạng phụ nữ sinh đẻ không được sự chăm sóc, đỡ và khám của các cán bộ được đào tạo chuyên môn còn khá phổ biến ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ thăm khám bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ còn thấp.

Tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản khá phổ biến, bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, HIV và ung thư đường sinh sản vẫn còn cao. Chính vì vậy, công tác nâng cao chăm sóc sức khỏe sinh sản càng trở nên được quan tâm hơn.

Nhân lực, thiết bị thiếu

Bà Lưu Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho hay, một khó khăn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam, là việc thiếu nhân lực trong lĩnh vực này. Theo kết quả khảo sát do Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em tiến hành năm 2010, hiện Việt Nam còn nhiều bất cập cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực.

Tại Việt Nam, hiện mới có 0,3 bác sỹ sản trên 10.000 dân, 0,2 bác sỹ nhi trên 10.000 dân. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2020 cần phải có 1,2 bác sỹ chuyên khoa sản và 1,2 bác sỹ chuyên khoa nhi trên 10.000 dân.

Thêm vào đó, cơ sở làm việc của nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Một số trung tâm còn phải thuê, mượn cơ sở hạ tầng làm việc, khoảng 20% trung tâm còn sử dụng cơ sở hạ tầng cấp 4.

Đặc biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh. Chính vì vậy, việc tiếp cận các tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản là cần thiết để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực này.

Hiện nay trên toàn thế giới các vấn đề bất cập về sức khỏe sinh sản vẫn là những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Thông tin từ Qũy dân số Liên Hợp Quốc cho thấy, mỗi năm trên thế giới có 358.000 phụ nữ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến thai nghén, 10-15 triệu phụ nữ phải gánh chịu các căn bệnh hoặc tàn tật nặng do biến chứng trong quá trình thai nghén và sinh nở gây ra, 15% phụ nữ có thai trải qua một lần biến trứng có nguy cơ gây tử vong trong khi sinh nở.

Theo một nghiên cứu mới của Viện Guttmacher và Qũy dân số Liên Hợp Quốc, có khoảng 222 triệu phụ nữ mong muốn tránh thai hoặc trì hoãn mang thai những chưa được tiếp cận tới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiệu quả. Gần 800 phụ nữ tử vong mỗi ngày trong quá trình sinh nở. Khoảng 1,8 tỷ thanh niên đang bươcs vào tuổi sinh đẻ nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng và các dịch vụ cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe của họ./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục