Thuế cácbon tại Canada gây ảnh hưởng đến kinh tế

Việc ban hành thuế cácbon tại Canada chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế trong khi hầu như không thu được lợi gì về môi trường.
Theo báo Bưu điện Tài chính, việc ban hành thuế cácbon tại Canada chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế trong khi hầu như không thu được lợi gì về môi trường.

Việc Canada đơn phương cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ có lợi rất ít về môi trường bởi vì phần của Canada trong tổng lượng khí thải toàn cầu là nhỏ.

Lượng khí thải ròng năm 2010 của Canada là 692 triệu tấn, bằng mức trong năm 2009 và chỉ chiếm 2% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Việc cắt giảm 50% lượng khí thải của Canada, sẽ yêu cầu một mức thuế cácbon rất cao, hầu như không thể làm gì để thay đổi quỹ đạo của biến đổi khí hậu tương lai. Chỉ sự bất ngờ tăng trưởng nhỏ nhất của kinh tế Trung Quốc cũng có thể khiến sự cắt giảm của Canada trở nên vô nghĩa.

Trong lúc thuế cácbon hầu như không có lợi, hoặc có lợi rất ít về môi trường, nó có thể gây ra nhiều khó khăn kinh tế. Một nghiên cứu của Hiệp hội quốc gia các nhà chế tạo Mỹ ước tính rằng việc áp đặt thuế cácbon ở mức 20 USD/tấn có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,4% trong tương lai gần, và (sự sụt giảm đó) sẽ tăng lên 0,6% vào năm 2053. Để có thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khung thời gian đó, GDP của Mỹ có thể bị giảm 3,6%.

Còn tại Canada, kết quả một nghiên cứu gần đây do Trường chính sách công thuộc Đại học Calgary cho thấy việc áp đặt mức thuế năng lượng để đạt được mục tiêu giảm 18% khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ khiến GDP của nước này giảm đi 0,61% và số công ty cũng giảm đi 0,61%, còn tùy thuộc vào cách thức đánh loại thuế này. Tất nhiên là cách thức sử dụng thu nhập thuế cácbon có thể ảnh hưởng đến mức độ thiệt hại kinh tế mà chúng có thể gây ra.

Thuế cácbon cũng có tính tiêu cực bởi vì chúng sẽ gây tổn hại cho người nghèo nhiều hơn so với người giàu.

Một nghiên cứu mới đây của Cơ quan nghiên cứu quốc gia Mỹ phát hiện rằng "mặc dù các hộ gia đình giàu có hơn sẽ phải trả thuế thu nhập hàng năm cao hơn, nhưng các nhóm có thu nhập thấp hơn phải chịu gánh nặng lớn hơn về thuế cácbon." Những người nghèo nhất phải chịu gánh nặng thuế cácbon nhiều gấp 3,2 lần so với những người giàu nhất.

Một nghiên cứu tương tự tại Canada cho thấy việc đánh thuế cácbon ở mức 30 USD/tấn sẽ khiến những người nghèo nhất mất đi 1,7% thu nhập của hộ gia đình, trong khi thu nhập của những hộ gia đình giàu nhất chỉ mất 0,86%.

Thêm vào đó, việc đánh thuế cácbon có thể làm giảm sức cạnh tranh kinh tế của Canada, vì tất cả doanh nghiệp Canada đều phải gánh chịu thuế cácbon, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Chi phí sản xuất cao hơn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của Canada trên các thị trường quốc tế, dẫn đến mất việc làm. Ảnh hưởng tiêu cực của thuế cácbon sẽ nghiêm trọng hơn bởi vì nó sẽ làm giảm sức cạnh tranh của Canada không chỉ với các nước đang công nghiệp hóa như Trung Quốc, mà cả với các đối tác thương mại khác như Mỹ.

Cho dù biến đổi khí hậu là một nguy cơ nhỏ hay lớn, thì những hành động đơn phương của các nước công nghiệp, nhất là các quốc gia nhỏ như Canada, sẽ hầu như không có lợi gì, mà chỉ gây tổn thất lớn.

Thuế cácbon không phải là "thuốc chữa bách bệnh" nhằm thực thi các chế độ kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu như được miêu tả trong 20 năm gần đây, mà chỉ gây ra những khó khăn kinh tế để đổi lại rất ít hoặc hầu như không có lợi về môi trường./.

Dương Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục