Italy tìm cách thu hút 18 tỷ USD đầu tư dầu khí

Italy đang tìm cách thu hút khoảng 18 tỷ USD đầu tư vào ngành dầu khí của nước này sau vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico năm 2010.
Chính phủ của Thủ tướng Italy Mario Monti đang tìm cách thu hút khoảng 18 tỷ USD đầu tư vào ngành dầu khí của nước này bằng cách nới lỏng lệnh cấm khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở các vùng biển ngoài khơi được áp đặt bởi chính phủ tiền nhiệm Silvio Berlusconi sau vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico năm 2010.

Thủ tướng Monti, người có trách nhiệm phải khởi động nền kinh tế để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công của Italy, hồi tháng trước đã quyết định rằng những công ty như Eni SpA (ENI), Edison SpA (EDN) và Royal Dutch Shell Plc (RDSA) có thể nối lại các dự án nước nông trong phạm vi 12km kể từ đường bờ biển mà họ buộc phải từ bỏ vào năm 2010.

Sắc lệnh này cần có sự phê chuẩn của quốc hội và dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Hạ viện vào ngày 23/7.

Bộ trưởng Công nghiệp Italy Corrado Passera cho hay sản lượng dầu khí khai thác ngoài khơi có thể tăng gấp đôi trong vài năm tới và thu hút 15 tỷ euro (18 tỷ USD) về đầu tư. Kết quả là điều này cũng có thể giúp giảm bớt tới 6 tỷ euro chi phí năng lượng của Italy.

Cũng theo ông Passera, việc nới lỏng một số hạn chế trong lệnh cấm vốn từng được áp đặt bởi chính phủ tiền nhiệm Berlusconi có thể tạo thêm khoảng 25.000 việc làm cho đất nước hình chiếc ủng này, vốn đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10,1%.

Theo Nicolo Sartori, chuyên gia phân tích về năng lượng và quốc phòng thuộc Viện Quan hệ Quốc tế đóng tại Rome, Chính phủ Italy đang có chủ trương nối lại việc sản xuất dầu khí ở trong nước.

Việc nối lại các hoạt động khai thác này không phải là nhằm mục đích "làm thay đổi cuộc chơi," mà sẽ giúp giảm bớt tình trạng phụ thuộc khá cao của Italy đối với các nguồn dầu khí nhập khẩu có giá đắt đỏ.

Italy nhập khẩu dầu khí từ nước ngoài để phục vụ khoảng 90% nhu cầu ở trong nước và đang phải vật lộn nhằm giành lại niềm tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ chặn đứng nguồn tài trợ của các thị trường cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro này.

Sắc lệnh nói trên của Chính phủ Monti sẽ cho phép các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi hiện tại được khởi động trở lại, song không cho phép thực hiện các dự án mới.

Sắc lệnh này nằm trong một dự luật mang tính bao quát hơn của Chính phủ Monti nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nên việc Hạ viện hay Thượng viện muốn bác bỏ nó là điều khá khó khăn. Sắc lệnh này cần phải được phê chuẩn trước ngày 25/8 hoặc nếu không sẽ bị hết hạn.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, sản lượng dầu mỏ của Italy năm 2010 đạt 5,7 triệu tấn, cao thứ ba trong số các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), sau Anh và Đan Mạch./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục