Thủ đoạn buôn lậu dịp cuối năm ngày càng tinh vi

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng cuối năm, tổng số vụ buôn lậu lên tới gần 6.800 vụ với trị giá gần 132,8 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các cục Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm 2012 tuy không “nóng” như các năm trước nhưng vẫn tiếp diễn với số vụ buôn lậu tăng cao cùng thủ đoạn ngày một tinh vi, phức tạp.

Theo các Cục hải quan địa phương, hoạt động chống buôn lậu những tháng cuối năm 2012 bước đầu đã có hiệu quả tích cực khi có sự tham gia phối hợp của các lực lượng liên ngành.

Gần 6.800 vụ buôn lậu trong hai tháng


Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng cuối năm (tháng 10 và tháng 11), tổng số vụ buôn lậu lên tới 6.788 vụ với trị giá hàng hóa là 132,873 tỷ đồng. Con số này gấp 1,12 lần về số vụ và 1,71 lần về giá trị hàng hóa so với 3 tháng của quý 3 năm 2012. Trong những tháng giáp tết, mặt hàng bị tịch thu tập trung khá nhiều vào các loại thực phẩm, đồ uống phục vụ tết: bánh kẹo, rượu ngoại, thuốc lá…

Nói về tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu, nhiều đơn vị hải quan cửa khẩu cho biết, qua công tác kiểm soát, nắm bắt tình hình, các chủ hàng thường không lộ diện. Họ thuê đối tượng có nhân thân phức tạp vận chuyển hàng hóa với hình thức khoán gọn. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, đối tượng còn ngang nhiên ném hàng để phi tang vật chứng, bỏ chạy. Điển hình như tại khu vực Lạng Sơn, hầu hết các đối tượng buôn lậu thuê đối tượng nghiện hút, cờ bạc... ở nhiều nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn sinh sống hoặc dân địa phương làm “cửu vạn” và sang Trung Quốc mua hàng.

Thời gian vận chuyển hàng lậu chủ yếu vào các giờ cao điểm như buổi trưa, nửa đêm hoặc chập tối. Các đối tượng trên còn bố trí người theo dõi và thông tin cho các đối tượng vận chuyển hàng lậu về hoạt động của lực lượng chống buôn lậu, sau đó dùng xe máy chở hàng lậu với tốc độ cao qua khu vực thị trấn, đi sâu vào nội địa. Bị truy đuổi, đối tượng buôn lậu manh động, liều lĩnh cản đường bằng xe máy, chạy đánh võng, kích động, thậm chí tổ chức cướp lại hàng hóa khi bị bắt giữ.

Bên cạnh đó do sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và sự chênh lệch về giá cả nên trong năm nay, tình trạng gian lận thương mại gia tăng ở một số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn. Phương thức gian lận chủ yếu là lợi dụng sự tạo thuận lợi trong quy trình thủ tục Hải quan để gian lận về số lượng, chủng loại mặt hàng, gian lận qua giá, thuế suất, xuất xứ, nhãn mác hàng hóa…Đặc biệt là nhóm mặt hàng tiêu dùng có thuế suất cao. Thời gian qua, tại Lạng Sơn, một số trường hợp tờ khai của doanh nghiệp đã bị chuyển luồng từ luồng xanh (miễn kiểm tra hàng hóa) xuống luồng vàng (kiểm tra về thủ tục, giấy tờ) hoặc chuyển từ luồng vàng xuống luông đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa).

Cũng như Lạng Sơn, tình trạng buôn lậu ở Quảng Ninh trong những tháng cuối năm này cũng hết sức phức tạp, Ông Vũ Văn Khoa, Đại diện Đội Kiểm soát Hải Quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, đối với những mặt hàng: pháo, mỹ phẩm, thuốc lá, các đối tượng hay thuê lực lượng cửu vạn mang vác. Chập tối, dọc các khu vực đường biên, đội cửu vạn và xe ôm túc trực chờ đón hàng từ bên kia biên giới. Nhận thấy sự xuất hiện của cơ quan chức năng, chúng dùng thủ thuật báo với đồng bọn gây khó khăn, kéo dài thời gian giúp đồng bọn tẩu thoát.

Đại diện Trạm kiểm soát liên hợp Km15-BTDT, Quảng Ninh chia sẻ, hiện nay, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi thủ đoạn thích nghi với hoàn cảnh. Dựa vào tình hình, đặc điểm của địa phương, đối tượng buôn lậu có thể sử dụng hình thức: xé lẻ hàng hóa; dùng đò vận chuyển qua sông hoặc thuê cửu vạn vác hàng qua các đường mòn biên giới. Sau đó, đối tượng dùng xe mô tô tập kết vào khu dân cư rồi đưa lên xe ô tô vận chuyển tiêu thụ ở nội địa. Nguy hiểm hơn, đầu nậu thường thuê đối tượng vận chuyển sử dụng xe mô tô phân khối lớn chạy với tốc độ cao hoạt động vào ban đêm, sẵn sàng dùng hung khí chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Trong thời gian qua, đơn vị cũng đã giữ được 160 vụ buôn lậu bằng 115% kế hoạch được giao. Một số mặt hàng được đối tượng buôn lậu với số lượng lớn: thuốc lá điếu là 36 vụ với trị giá ước tính 868,8 triệu đồng; pháo nổ dạng dàn 18 vụ với giá trị là 70,1 triệu đồng.

Tăng cường giải pháp


Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu, mới đây nhất, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục Hải quan địa phương tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau tết Nguyên đán. Tổng cục hải quan yêu cầu các đơn vị địa phương căn cứ tình hình thực tế xác định địa bàn, tuyến trọng điểm dự kiến tình huống vi phạm phát sinh…Các đơn vị chủ động phối hợp với lực lượng chức năng khác: Quản lý thị trường, Biên phòng, Công an… chia sẻ thông tin, đấu tranh, phát hiện bắt giữ hàng hóa vi phạm góp phần bình ổn thị trường tết, thúc đẩy sản xuất trong nước. Riêng đối với các Cục Hải quan tỉnh thành phố trọng điểm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai…phải xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoàng hóa, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh đối với mặt hàng rượu ngoại, bia, đường kính, thuốc lá.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, ông Hoàng Khánh Hòa cho biết, các đơn vị trên địa bàn đã chủ động, tăng cường phối hợp với công an, quản lý thị trường trong đấu tranh chống buôn lậu để không xảy ra điểm nóng. Những tháng giáp Tết nguyên đán, các giải pháp ngăn chặn tình trạng súc, gia cầm, hoa quả có thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng vận chuyển qua biên giới trái phép được đẩy mạnh. Lực lượng hải quan tại các cửa khẩu đang tiến hành rào dây thép gai, tổ chức lực lượng túc trực 24/24 tại các điểm nóng. Các đơn vị cũng tăng cường giám sát cư dân biên giới qua cửa khẩu chính. Cục Hải quan Lạng Sơn xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám soát đối với mặt hàng nhập khẩu có tính nhạy cảm, mức độ rủi ro cao.

Ngoài Lạng Sơn, đơn vị khác cũng đã đưa ra giải pháp riêng để chủ động trong công tác chống buôn lậu. Mới đây nhất, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh ký kế hoạch phối hợp phòng, chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Theo đó, hai đội cơ động liên hợp trên hai tuyến biên giới gồm Đội cơ động liên hợp số 1 đóng quân tại địa bàn huyện Bình Liêu và Đội cơ động liên hợp số 2 đóng quân tại địa bàn thành phố Móng Cái đã được thành lập.

Lực lượng này quyền tiến hành các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn, lập biên bản vi phạm quả tang đối với những hành vi vi phạm có liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, xuất nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, đội cơ động liên hợp số 1 và số 2 còn có quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hành vi có liên quan tới buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vi phạm pháp luật Hải quan. Lực lượng này chi viện về lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ trong khi thi hành nhiệm vụ từ các đồn Biên phòng, đơn vị Hải quan trên địa bàn nếu có yêu cầu. Hai đội cơ động liên hợp thực hiện theo chế độ biệt phái và dự kiến kết thúc trước ngày 10/2/2013.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trạm phó Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 Bến tàu Dân Tiến, Hải Quan Quảng Ninh cho biết, đội Liên hợp cơ động số 2 được thành lập tạo thế liên hoàn trong công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc chống buôn lậu tại khu vực 2 bên cánh gà của trạm kiểm soát liên hợp km15. Đến thời điểm này, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu tại đơn vị được triển khai rộng khắp và tập trung vào một số mặt hàng trọng: pháo nổ, mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Trạm kiểm soát liên hợp Km15-BTDT đã tổ chức nghiên cứu, nắm bắt tình hình thực hiện các biện pháp bí mật, xây dựng mạng lưới cộng tác viên tập trung vào các ổ nhóm, đường dây buôn lậu lớn. Tuy nhiên, đơn vị cũng cho rằng, thời gian gần đây, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phong phú, đa dạng.

Việc xác định hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu là do cán bộ công chức tại đơn vị phát hiện, thu giữ, tự nhận diện không có thiết bị máy móc hỗ trợ. Do vậy, đơn vị đề nghị các cơ quan chuyên ngành có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên đối với cán bộ công chức làm công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu, trí tuệ./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục