Tăng trưởng phổ quát giúp kinh tế châu Á vượt khó

Các chính sách tăng trưởng phổ quát sẽ giúp châu Á-TBD tăng cường sức bật phục hồi nhanh trước những cú sốc kinh tế trong tương lai.
Ngày 9/9, tại Đối thoại chính sách cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở thủ đô Manila của Philippines, Liên hợp quốc khẳng định các chính sách tăng trưởng mang tính phổ quát nhằm giảm những cách biệt kinh tế-xã hội lớn trong khu vực có tầm quan trọng thiết yếu giúp các nước tăng cường sức bật phục hồi nhanh trước những cú sốc kinh tế trong tương lai.

Đối thoại chính sách cấp cao khu vực được Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) và Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) đồng bảo trợ là cơ hội để thống đốc các ngân hàng trung ương, các cố vấn chính sách cấp cao, các trung tâm tư vấn chính sách kinh tế khu vực cùng các chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá các bài học về phản ứng của khu vực trước khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu cũng như các thách thức đang nổi lên do giá lương thực và năng lượng luôn biến động bất thường, sự chững lại của phục hồi kinh tế và bất ổn định tài chính thế giới đang tăng lên.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký chấp hành UNESCAP, tiến sỹ Noeleen Heyzer, nhấn mạnh chính sách tăng trưởng phổ quát cần phải là cốt lõi của tăng trưởng bền vững và tái cân bằng trong những năm tới ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi nền kinh tế thế giới tìm kiếm các nguồn nhu cầu tổng hợp mới, các chính sách tăng trưởng phổ quát hỗ trợ người nghèo như bảo vệ xã hội, phổ quát tài chính, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp và nông thôn không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn định hướng kinh tế tốt.

Các chuyên gia kinh tế Liên hợp quốc lưu ý rằng mặc dù các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương nổi lên từ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu như là một cực tăng trưởng mới của kinh tế thế giới, song cũng đang phải đối mặt với môi trường chính sách khắc nghiệt đòi hỏi phải hợp tác lớn hơn và tư duy mới về các nguồn sức bật mới và các nguyên nhân căn bản của nguy cơ dễ bị tổn thương.

Trong các thị trường mới nổi, sức ép lạm phát gia tăng được coi là hệ quả sự phát triển quá nóng của nền kinh tế khiến các ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ.

Hành động này không những không giúp giảm sức ép lạm phát mà còn tác động bất lợi đến tốc độ phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh biến động chưa từng thấy trong các thị trường tài chính toàn cầu như hiện nay, thực thi các chính sách kinh tế thận trọng chưa đủ mà cần tăng cường hợp tác nhiều tầng ở cấp khu vực lẫn quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục