P5+1 bàn về biện pháp trừng phạt mới chống Iran

Nhóm P5+1 đã nghe "các đề xuất mang tính xây dựng" về cách thức giải quyết chương trình làm giàu hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Nhóm P5+1, gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức, ngày 8/4 đã kết thúc cuộc thảo luận quan trọng đầu tiên về nghị quyết trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Iran liên quan hoạt động hạt nhân của nước này.

Nga cho biết nhóm P5+1 đã lắng nghe "các đề xuất mang tính xây dựng" về cách thức giải quyết chương trình làm giàu hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp kín kéo dài gần ba giờ, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho biết ông và các đặc phái viên của Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Đức đã nhất trí gặp lại vào tuần tới để thảo luận thêm.

Tham gia thảo luận tại New York, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Li Baodong cho biết đây là một "cuộc thảo luận quan trọng" và nhóm P5+1 sẽ tiếp tục theo đuổi một giải pháp ngoại giao, bất chấp việc những người đồng cấp của ông đang tìm kiếm một thỏa thuận áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Bắc Kinh luôn cho rằng đối thoại là giải pháp tốt nhất để xúc tiến hồ sơ hạt nhân của Iran. Tán thành quan điểm trên, Đại sứ Nga Churkin tuyên bố "dù có xảy ra điều gì, con đường ngoại giao sẽ vẫn tiếp tục."

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Susan Rice cho biết nhóm P5+1 đã "có một cuộc thảo luận hữu ích" và Mỹ hy vọng sẽ đạt được các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran trong vài tuần tới.

Ngày 9/4, bà Rice sẽ gặp các đối tác Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc và Đức để bắt đầu quá trình soạn thảo nghị quyết trình lên toàn thể Hội đồng Bảo an gồm 15 nước bỏ phiếu thông qua.

Cho đến nay, Hội đồng Bảo an đã thông qua ba nghị quyết trừng phạt Iran nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình làm giàu urani. Tuy nhiên, Iran luôn bác bỏ những cáo buộc của phương Tây rằng chương trình hạt nhân của Tehran nhằm mục đích sản xuất vũ khí nguyên tử.

Tháng trước, Mỹ đã chuyển một dự thảo nghị quyết (về trừng phạt Iran) cho Nga và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua nghị quyết trong tháng này.

Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao nói rằng các cuộc đàm phán sẽ kéo dài ít nhất cho đến tháng Sáu tới do Bắc Kinh và Mátxcơva dự kiến sẽ làm giảm bất kỳ các bước đề xuất trừng phạt nào trước khi đệ trình bản dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục