Việt Nam-Nhật chia sẻ kinh nghiệm về an sinh xã hội

Đại diện JICA, Eiichiro Hayashi nhấn mạnh Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.
Ngày 24/9, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “An sinh xã hội: Kinh nghiệm Nhật Bản và gợi mở cho Việt Nam,” với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Đại học Chiba-Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Xã hội học, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại học quốc gia Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Giang Hải cho rằng, hội thảo có thêm ý nghĩa khi diễn ra trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Đây là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội của 2 nước; đề xuất những vấn đề cần đột phá trong chính sách và thực tiễn về an sinh xã hội ở Việt Nam. An sinh xã hội là chính sách cốt lõi quyết định sự phát triển ổn định và bền vững ở mọi quốc gia, góp phần giảm bất bình đẳng, hạn chế sự tổn thương của người dân, gia đình và cộng đồng trước những rủi ro trong cuộc sống.

Tại hội thảo, gần 100 đại biểu là các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các bộ, ban, ngành thuộc cơ quan Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản đã thảo luận sôi nổi, tập trung vào những vấn đề cấp bách về bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Thực tế ở Việt Nam, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế còn thấp, mức độ sử dụng bảo hiểm không cao. Người dân chưa thực sự mặn mà với bảo hiểm y tế do chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm còn hạn chế.

Bảo hiểm y tế Việt Nam đang tìm đường ra cho gói dịch vụ y tế cơ bản. Mức độ tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, quỹ lương hưu bị mất cân bằng và đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ trong 10 năm tới, khi Việt Nam bước sang giai đoạn già hóa dân số. Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Giáo sư Hiroi Yoshinori, Đại học Chiba, Nhật Bản cho biết, năm 1961 Nhật Bản thực hiện chế độ bảo hiểm toàn dân và lương hưu toàn dân. Nhật Bản là ví dụ thành công nhất về hệ thống y tế của các nước phát triển sau với tuổi thọ trung bình của người dân cao và các chính sách y tế hợp lý. Một đặc điểm có thể áp dụng ở Việt Nam do sự tương đồng giữa 2 nước, Nhật Bản sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, dựa trên hình thái tiểu nông đương thời. Chính chế độ gia đình ở nông thôn và sự đoàn kết xóm làng đã tạo nên truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp và dựa trên sự đoàn kết này có thể xây dựng quỹ phục vụ khám chữa bệnh của địa phương dưới sự quản lý của tỉnh hay các đoàn thể.

Đại diện JICA, chuyên gia Eiichiro Hayashi nhấn mạnh, qua hội thảo, hy vọng Việt Nam sẽ thu nhận được nhiều thông tin tham khảo từ kinh nghiệm của Nhật Bản xoay quanh các vấn đề về an sinh xã hội, đây cũng là một vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm. Các ý kiến thảo luận tích cực tại hội thảo nhằm cung cấp thông tin, gợi mở cho hoạch định chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam./.

Minh Nguyệt, Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục